Giáo dục

Cần nhanh chóng hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập

Ngoài ra, các chính sách hỗ cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sẽ được đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 15/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH và một số bộ, ngành về hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, giáo dục mầm non là cấp học có tỉ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập (tư thục, dân lập) nhiều nhất so với các cấp học khác.

Tính đến cuối năm học 2020-2021 (tháng 5/2021), toàn quốc có 19.312 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (3.299 trường, 16.013 cơ sở độc lập).

Trong đó có hơn 90.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, chăm sóc, dạy dỗ cho 1,2 triệu trẻ em. Tỉ lệ trường ngoài công lập và huy động trẻ em ngoài công lập chiếm gần 22,3% tổng số trường và trẻ em mầm non.

Trong đợt dịch vừa qua, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh Covid-19, nhất là cấp học giáo dục mầm non.

Giáo viên mầm non phải tìm nghề khác trong khi chưa được đi dạy

Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có doanh thu trong thời gian dài do không có nguồn thu từ học phí, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả tiền lương cho nhân viên trực trường, một phần lương cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân khi mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thể trả lương cho người lao động; đời sống giáo viên hết sức khó khăn, phải chuyển sang các công việc khác.

Hiện nay, các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, không có kinh phí để duy trì hoạt động, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thậm chí bị giải thể...

Trong thời gian tới, sau khi được đi học trở lại, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục mầm non và kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành cho rằng việc hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập là cần thiết nhằm giảm bớt khó khăn cho các giáo viên mầm non ngoài công lập.

Đồng thời giúp các cơ sở giáo dục mầm non "giữ chân" giáo viên khi mở cửa trở lại. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng giáo viên tiểu học ngoài công lập (tư thục, dân lập) vào diện hỗ trợ.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH để xây dựng dự thảo nghị quyết về hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập trình Chính phủ trong tuần tới, trên tinh thần ưu tiên cho giáo dục nhưng phải bảo đảm cân đối, hài hòa với các đối tượng khó khăn khác; khuyến khích người lao động trong các cơ sở mầm non ngoài công lập tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về cơ sở vật chất; miễn, giảm thuế; vay vốn ưu đãi… sẽ được đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 2/11, UBND Tp.HCM ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn Tp.HCM.

Theo kế hoạch này, Tp.HCM triển khai các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non thông qua các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất...; quan tâm đến các chính sách để hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập...

Đặc biệt, UBND Tp.HCM xem xét, quyết định mức trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất và mức hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp.