Góc nhìn luật gia

Cần nâng mức án phạt đối với tài xế say xỉn gây tai nạn chết người

Những vụ tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn làm chết người thời gian gần đây ngày một gia tăng nhưng khung hình phạt cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù. Với hành vi không khác gì giết người, những tài xế này cần một bản án xử phạt nghiêm minh hơn.

Rạng sáng 1/5, tài xế Lê Trung Hiếu (39 tuổi, Hà Nội) điều khiển xe Mercedes GLA 250 màu trắng mang BKS 30F-154.78 sau khi uống rượu đã gây tai nạn làm 2 người phụ nữ chết ở hầm Kim Liên.

Trước đó, khuya 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, Hà Nội) điều khiển ôtô trong tình trạng say xỉn đã đâm hàng loạt phương tiện lưu thông trên đường rồi bỏ chạy. Hậu quả khiến nữ công nhân môi trường đang làm việc tử vong tại chỗ.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe có nồng độ cồn vượt mức xử phạt nặng nhất, nhưng chế tài xử phạt còn quá nhẹ, không thể đủ sức răn đe.

Lái xe say xỉn gây chết người phải là lỗi cố ý gián tiếp

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT (cục CSGT, bộ Công an) phân tích rõ về nguyên nhân khiến liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nhất là việc lái xe có sử dụng cồn ở mức đáng báo động.

Nguyên nhân trực tiếp chính là sự chủ quan của tài xế về ý thức chấp hành giao thông. Sâu xa hơn đó là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, không kiểm soát được tay lái và các tình huống ở trên đường dẫn đến gây tai nạn giao thông đáng tiếc.

Hai vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết người khi tài xế say xỉn điều khiển xe gần đây nhất.

Hơn nữa, nguyên nhân khiến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu bia ngày một gia tăng là do chế tài xử phạt quá nhẹ, kể cả về xử lý hành chính và xử phạt hình sự.

“Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang coi những lỗi gây tai nạn giao thông là lỗi vô ý, khiến cho mức hình phạt nhẹ hơn mức ở góc độ cố ý. Việc áp dụng các biện pháp như tước giấy phép lái xe vài tháng là quá nhẹ hay xử lý hình sự cao nhất chỉ 15 năm tù. Như vậy, làm sao đủ sức răn đe cho xã hội”, Đại tá Trần Sơn bày tỏ quan điểm.

Kiến nghị về việc sửa đổi luật, Đại tá Sơn nhấn mạnh: “Ngoài việc cần phải sửa Nghị định 46/2016/NĐ-CP để tăng chế tài xử phạt đối với một nhóm hành vi có nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó, có hành vi sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm là phải sửa.

Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, có nội dung quy định về việc sử dụng rượu bia quá mức cho phép thì không xếp vào nhóm “Vô ý làm chết người” mà phải xếp vào nhóm “Cố ý gián tiếp làm chết người”.

Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu gây thương tích từ 11% trở lên thì xử tội cố ý gây thương tích, gây ra chết người thì xử theo tội danh giết người. Như vậy mới đủ sức răn đe”.

Cần xử lý về tội giết người

Trao đổi thêm về việc cần xử lý những tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng với tội danh giết người, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ, nhưng hiện nay, cần thiết phải chuyển thành tội cố ý giết người.

“Người điều khiển xe ô tô gây tai nạn chết 2 người hay nhiều người nhưng mức hình phạt khi áp dụng về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ cao nhất cũng chỉ có 15 năm tù. Việc sử dụng rượu bia là khi người điều khiển phương tiện cố tình đưa mình vào trạng thái say xỉn, đây là biểu hiện của sự coi thường pháp luật, cần tách thành 1 mức hình phạt riêng và nặng hơn”, vị luật sư bày tỏ quan điểm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận thấy sự cần thiết về việc chuyển tội danh thành tội cố ý giết người của những tài xế say xỉn gây tai nạn chết người.

Có những tội làm chết người nhưng đã bị xử tử hình. Nhưng tội điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia chỉ là phạt tù và tạm giữ giấy phép lái xe vài tháng. Đó là lỗi bất cập và có sự vô lý về khung hình phạt.

Đề xuất về việc sửa đổi luật hiện hành, luật sư Hùng cho hay: “Hiện chưa có quy định nào của pháp luật về việc tịch thu bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện hay cấm lái xe có thời hạn với những trường hợp sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn. Vì thế, cần phải sửa đổi các quy định để có chế tài nghiêm khắc hơn mới ngăn chặn được những sự việc đau lòng như vừa qua. Tôi đề nghị sửa đổi điều luật, cần thiết thu bằng lái vĩnh viễn, chuyển về tội cố ý giết người đối với những tài xế này”.

Trước vụ việc tài xế Lê Trung Hiếu điều khiển Mercedes đâm tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên sáng 1/5, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết dù gây hậu quả nghiêm trọng, có các tình tiết tăng nặng như sử dụng rượu bia, làm chết 2 người, bỏ chạy sau khi gây tai nạn… nhưng khung hình phạt cao nhất cho tài xế trong vụ này cũng chỉ 10 năm tù. Đây là một trong những bất cập và hạn chế của pháp luật hiện hành về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ.