Tiêu điểm

Cần liều kháng sinh cực mạnh để đặc trị “bệnh lãng phí”

“Những con số biết nói về hàng trăm dự án, hàng trăm nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỷ bị lãng phí là một cảm giác rất xót xa”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Chiều 31/10, thảo luận tại phiên giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nhìn nhận chuyên đề giám sát lần này của Quốc hội có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước tới nay.

“Những con số biết nói về hàng trăm dự án, hàng trăm nghìn ha đất, hàng chục nghìn tỷ bị lãng phí là một cảm giác rất xót xa”, ông An nói.

Báo cáo đã hình thành được danh mục dự án, công trình phải xử lý, theo đại biểu Trịnh Xuân An là điều rất tốt. Song, ông cho rằng còn thiếu trách nhiệm của chủ thể, cá nhân, tổ chức để xảy ra “tình trạng bi đát” này nên báo cáo cần làm rõ.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ảnh: Quochoi.vn).

Ví von chuyên đề giám sát về nội dung này như một “liều kháng sinh cực mạnh” để đặc trị bệnh lãng phí, ông An nhấn mạnh để xử lý dứt điểm, phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

“Tôi tin rằng các cơ quan Nhà nước, chủ thể khi quyết định chủ trương dự án không ai muốn mình bị xử lý vì để xảy ra lãng phí, nhưng với những dự án, công trình có yếu tố cá nhân, tư lợi, cố ý làm sai thì phải xử lý”, ông An nêu quan điểm.

Ông dẫn chứng lãng phí trong lĩnh vực quy hoạch điện gió hay việc những công trình giao thông biết rõ sẽ có vấn đề nhưng vẫn để Nhà nước phải bù thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Từ đó, ông An kiến nghị, báo cáo giám sát của Quốc hội cần được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm tra, kể cả cơ quan điều tra để căn cứ nội dung trong báo cáo "xác định rành rọt trách nhiệm và xử lý mới đảm bảo hiệu quả".

Đại biểu Hồ Thị Minh (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt vấn đề: “Báo cáo đã chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm nhưng chúng ta có quyết liệt sửa đổi không, hay báo cáo chỉ ra còn trách nhiệm khắc phục thì ta đùn đẩy?”.

Nữ đại biểu dẫn chứng lãng phí trong lĩnh vực đất đai là vấn đề nóng, không chỉ của một tỉnh mà ở tất cả địa phương với thực trạng hàng loạt lô đất vàng quy hoạch treo; đất rừng, đất nông nghiệp vẫn bất cập trong quản lý, sử dụng.

Nếu không giải quyết được vấn đề đã đặt ra, bà Minh cho rằng chúng ta sẽ lại rơi vào tình trạng “sợi dây rút kinh nghiệm vẫn kéo dài, hạn chế báo cáo vẫn được nhắc lại hàng năm”.

“Lãng phí không phải bây giờ mới có mà nó xảy ra từ rất lâu và trách nhiệm thuộc về ai thì đến nay vẫn chưa chỉ rõ”, bà Minh nói.

Nhắc đến việc xây dựng trụ sở, vị đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng nguồn đầu tư chính cho việc này vẫn là từ ngân sách. Thực tế, có công trình thực sự xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nhưng có những công trình còn sử dụng tốt vẫn bằng nhiều hình thức tranh thủ xin cải tạo, sửa chữa, thậm chí xây dựng mới hoàn toàn trên vùng đất mới, bỏ hoang trụ sở cũ.

Dẫn ví dụ thực tế là vướng mắc trong việc giao lại đất các trụ sở cơ quan Trung ương trên địa bàn cho địa phương sau khi xây dựng trụ sở mới, bà Minh cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ, bộ ngành rà soát lại xem văn bản nào bất cập, chồng chéo để làm thế nào khi trụ sở mới xây dựng thì việc giao lại trụ sở cũ là nghiễm nhiên chứ không phải chờ đến giám sát, kiến nghị giám sát mới giải quyết.

"Đề nghị sau giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa, chỉ đạo các bộ, ngành rà soát thấy được trách nhiệm của mình trong từng ngành, từng lĩnh vực làm sao để báo cáo sang năm, sang năm nữa không còn lặp lại các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra", bà Minh kiến nghị.