Góc nhìn luật gia

Cần khởi tố trường hợp trốn cách ly covid-19

Luật sư cho rằng, hành vi trốn cách ly y tế trong tình hình dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp là hành vi vi phạm pháp luật cần bị lên án và xử lý nghiêm.

Trong lúc toàn xã hội đang nỗ lực khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động sau một năm vất vả chống dịch covid-19 thì vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ cả hệ thống chính trị và toàn dân nỗ lực tham gia.

Cần khởi tố trường hợp trốn cách ly covid-19.

Từ khi dịch xảy ra đến nay, đã có nhiều trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch của cơ quan chức năng, nhất là hành vi trốn tránh cách ly, nhưng các cơ quan tố tụng chỉ mới xử lý các trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép, chống đối người thi hành công vụ mà chưa xử lý hình sự những trường hợp làm lây lan bệnh trong cộng đồng.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 15.000.000 - 20.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 11 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/11/2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi trốn tránh cách ly y tế, cơ quan chức năng cần thiết phải khởi tố vụ án đối với cá nhân thực hiện hành vi này.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp phát biểu.

Cụ thể, trường hợp người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đặc biệt, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người; bị phạt tù 10 năm đến 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.

Như vậy, việc trốn tránh cách ly y tế là việc làm hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng xã hội. Thiết nghĩ, với trách nhiệm của một công dân, người thuộc diện phải cách ly để theo dõi dịch bệnh cần nghiêm túc chấp hành việc cách ly để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân (được điều trị kịp thời ngay khi phát hiện bị nhiễm dịch bệnh), vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng, đồng thời vừa tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt pháp lý.

Đối với những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về cách ly y tế, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất để làm gương, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 8/8, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, ký ban hành Chỉ thị số 04 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.
Chỉ thị yêu cầu tại các địa phương phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, lực lượng công an cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp cần thiết, cấp bách đáp ứng với từng cấp độ dịch để khống chế tốc độ lây nhiễm, hạn chế thấp nhất và không để lây nhiễm dịch bệnh trong đơn vị công an.

Cùng với đó, lực lượng y tế CAND chủ động mọi biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, có phương án cụ thể, phù hợp trong các tình huống có tác động của dịch bệnh đến các địa bàn, các địa phương, đơn vị và các khu vực đóng quân của lực lượng CAND.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực, trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế, găm hàng, tăng giá, có hành vi gây bất ổn thị trường…

Ngoài ra, Chỉ thị số 04 cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng các cấp, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, lực lượng CAND tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, quản lý cư trú, kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người, đặc biệt là các địa bàn có nhiều người nước ngoài cư trú, lao động và làm việc; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự tại các khu cách ly tập trung.

Tại các tuyến biên giới, cửa khẩu, Bộ Công an đề nghị lực lượng phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong việc kiểm soát tuyệt đối xuất nhập cảnh; xử lý nghiêm theo pháp luật những tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép.