Chính sách

Cần khắc phục tình trạng nhiều công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đăng tải, sáng 12/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã có nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, qua hơn 20 năm thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và sự cố gắng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và toàn dân, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã có chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được đẩy mạnh và ngày càng phát triển sâu rộng; hiệu lực quản lý nhà trong công tác này được tăng cường; từ đó góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí cũng thẳng thắn nhận định, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, chưa có tính khả thi cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế;...

Vì vậy, việc xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để đảm bảo thống nhất và đồng bộ với các Bộ Luật, Luật trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cần rà soát kỹ các quy định để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc gia

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng nhận định thể chế liên quan tới công tác cứu hộ, cứu nạn hiện nay đã khá đầy đủ; Ban Chỉ huy cứu hộ cứu nạn từ Trung ương đến địa phương cũng được tổ chức tương đối bài bản, do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định, tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là Luật Phòng thủ dân sự sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.

Đặc biệt, dự thảo Luật cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế như: khắc phục tình trạng nhiều công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy; việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật an toàn cháy cho nhà và công trình; nguyên tắc đóng góp, hoạt động của Quỹ phòng cháy, chữa cháy…

Bên cạnh đó, đồng chí cho biết thêm, hiện lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ ở địa phương đã và đang phải chịu sự quản lý từ nhiều Ban chỉ đạo (của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…). Do vậy, nếu dự thảo Luật có quy định liên quan tới lực lượng này thì cần xác định đây là lực lượng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ theo Luật Phòng thủ dân sự để giảm bớt áp lực cho họ.

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, công tác phòng cháy, chữa cháy không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy mà là trách nhiệm của toàn dân. Vì vậy, cần bổ sung những quy định cụ thể nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, xây dựng các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ dự kiến tác động của các chính sách, đặc biệt là chi phí phát sinh liên quan tới các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình; khả năng đáp ứng thực tế; lộ trình triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật. Ngoài ra, khái niệm “Tổ liên gia” tại dự thảo Luật là một khái niệm mới, do đó cơ quan soạn thảo cần quy định rõ cơ chế hoạt động của Tổ này, tránh tình trạng tự phát.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá các ý kiến thảo luận từ thành viên Hội đồng có tính xây dựng cao, tâm huyết; các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc sự cần thiết bổ sung phạm vi điều chỉnh về cứu nạn, cứu hộ tại đề nghị xây dựng Luật; đồng thời tiến hành rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để bảo đảm các nội dung chính sách đã đề xuất sửa đổi, bổ sung có tính thống nhất, đồng bộ với các Luật đã được ban hành/dự kiến sắp được ban hành.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan soạn thảo có thể xây dựng báo cáo riêng về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; từ đó xác định các chính sách phù hợp, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả, khả thi hơn đối với từng chính sách đề nghị xây dựng Luật.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về một số nội dung như: Quy hoạch phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các điều kiện phục vụ cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quỹ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ liên gia...

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tập trung vào 4 chính sách: (1) Hoàn thiện quy định về công tác phòng cháy; (2) Hoàn thiện quy định về chữa cháy; (3) Hoàn thiện quy định tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy, phương tiện phòng cháy chữa cháy; (4) Quy định công tác cứu nạn, cứu hộ.

T.M