Sự kiện

Cần hỗ trợ để người dân các địa phương trở lại Tp.HCM làm việc

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bà con từ các nơi đến Tp.HCM sinh sống, làm việc đã góp phần phát triển Thành phố. Chúng ta cần suy nghĩ để hỗ trợ họ đảm bảo nhu cầu tối thiểu, mời gọi họ về địa phương tiếp tục làm việc.

Sáng 5/10, Ủy ban MTTQVN quận Bình Tân, Tp.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQB) Tp.HCM đơn vị 6.

Cần giám sát việc chi tiền hỗ trợ người dân

Cử tri Bùi Chiêu Hoàng phường An Lạc phát biểu: “Dù nỗ lực nhưng công tác chống dịch của chúng ta còn hạn chế. Lý do khách quan là dân số của quận Bình Tân rất đông. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, cụ thể là tăng cường đội ngũ nhân viên y tế, nhất là tại cơ sở địa phương”.

Cử tri Tạ Thanh Tâm, phường Bình Hưng Hòa A cho rằng, để phòng chống dịch hiệu quả, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến đối tượng công nhân tại khu nhà trọ.

“Hiện nay, các dãy nhà trọ công nhân ở chen chúc, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Đề nghị chính quyền có quy hoạch cụ thể về nhà ở công nhân để đảm bảo phòng chống dịch. Vì sinh sống trong không gian chật hẹp, nếu có dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn”, ông Tâm nói.

Cử tri Phạm Hữu Tấn, phường An Lạc nhận định, việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn qua các đợt vừa qua còn hạn chế.

“Với những người đã đăng ký nhưng không được nhận, Quốc hội có giám sát hay không. Như ở địa phương tôi ở, gói hỗ trợ đợt 1 và đợt 2 chỉ duyệt cho 60% người trong danh sách đăng ký. Nếu có nhiều người đăng ký, thay vì 1 người 1,5 triệu đồng thì chúng ta có thể chia nhỏ để mỗi người nhận 500.000 đồng vì dịch bệnh kéo dài khiến ai cũng khó khăn, cần được hỗ trợ”, ông Tấn nói.

Cử tri Tấn cũng bày tỏ, việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ người khó khăn nên có văn bản hướng dẫn cụ thể. “Nhiều địa phương làm sai khi chưa hiểu rõ, dẫn đến sai sót. Mà đã phát quà phát tiền thì khó thu hồi. Nếu có hướng dẫn cụ thể, các địa phương sẽ thực hiện đồng bộ, thống nhất hơn”, ông Tấn chỉ ra.

Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH Tp.HCM đơn vị 6 tại quận Bình Tân được tổ chức trực tuyến.

Cử tri Nguyễn Thị Cẩm, phường An Lạc nêu vấn đề: “Việc hỗ trợ chưa đồng đều. Người ở nhà trọ khổ nhưng người dân địa phương cũng vậy nhưng không được hỗ trợ. Người dân không được đi làm 4 tháng nhưng quá trình hỗ trợ rất chậm”.

Bà Cẩm cũng nhận xét: “Chủ trương Nhà nước ban hành thì nơi thực hiện cuối cùng là phường, khu phố, tổ dân phố. Áp lực công việc trong thời gian giãn cách vừa qua đối với lực lượng này là rất lớn. Nhiều người xin nghỉ nên phải động viên để họ tiếp tục làm”.

“Cán bộ khu phố không có lương. Họ Làm vì cái tâm trong khi xã hội nhận thức khác nhau, người dân đòi quyền lợi có khi nặng lời, bức xúc. Cán bộ khu phố, tổ dân phố hầu hết lớn tuổi, mỗi tháng có 500.000 đồng phụ cấp mà công việc áp lực quá. Họ tiếp nhận công nghệ hạn chế nên giải quyết thủ tục còn chậm trễ. Theo tôi, cần có chế độ cho đối tượng này, tôn vinh tổ trưởng dân phố, khu phố”, bà Cẩm trình bày.

Tổng kết để chăm lo, hỗ trợ tốt hơn

Lắng nghe tâm tư, ý kiến kiến nghị của cử tri, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nói: “Tinh thần chúng ta phòng chống dịch là phải giảm xuống mức không còn đe dọa nhiều. Bên cạnh đó là các biện pháp phòng ngừa để sống trong trạng thái “bình thường mới” trong tương lai".

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền của Tp.HCM trong việc phòng chống dịch bệnh.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền của Tp.HCM trong việc phòng chống dịch bệnh. Vì thế, ông Nhân kiến nghị Tp.HCM tổ chức tổng kết 4 tháng phòng chống dịch Covid-19 đợt 4 trên địa bàn để rút kinh nghiệm sâu sắc hơn, làm tốt hơn nữa.

“Chúng ta chưa bao giờ phải chống dịch quy mô lớn thế này. Quá trình tổng kết sẽ rút kinh nghiệm cho những việc đã làm được và chưa làm được”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng thừa nhận, mặc dù Chính phủ đã có những nghị quyết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng quá trình triển khai còn khó khăn, bất cập ở thủ tục.

“Về đề nghị chăm lo hơn nữa cho người dân gặp khó khăn, chúng ta rất nỗ lực. Các tổ chức xã hội đã tham gia hết mình nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bà con từ các nơi đến Tp.HCM sinh sống, làm việc đã góp phần phát triển Thành phố. Chúng ta cần suy nghĩ để hỗ trợ họ đảm bảo nhu cầu tối thiểu, mời gọi họ về địa phương tiếp tục làm việc”, ông Nhân nhấn mạnh.

Việc tăng cường lực lượng y tế, ông Nhân cho rằng hoàn toàn chính xác. Bởi, trong lúc khó khăn, nhất là công việc chăm sóc F0 chỉ có đội ngũ y tế phường mới đủ khả năng giám sát, chăm lo. UBND Tp.HCM đã có chương trình về y tế trong vấn đề này.