Đối thoại

Cần giúp khách du lịch không còn "sợ Covid"

Giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp phục hồi đó là mở cửa, có thị trường hoạt động, để có được điều này phụ thuộc vào việc du khách cảm thấy an toàn khi đi du lịch.

Sáng nay (25/12), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển” với mục tiêu tạo diễn đàn cho các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, nhà quản lý chia sẻ, trao đổi về các định hướng chính sách.

Trong phiên chuyên đề, lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp đã đưa ra những đánh giá ngành du lịch thời gian qua và đưa ra những đề xuất.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ: “Hơn lúc nào hết những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương là vô cùng cấp thiết”.

Ông Đoàn Văn Việt Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Từ đó để du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế, sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch.

Trước tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020 lượng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt (giảm 80% so với năm 2019), khách nội địa đạt 56 triệu lượt (giảm 34% so với năm 2019).

Tổng thu từ ngành du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng (giảm gần 60% so với năm 2019).

Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại đều dừng hoạt động, nhân sự ngành du lịch phần lớn mất việc làm hoặc làm việc cầm chừng.

Trước bối cảnh dịch bệnh Việt Nam đang dần được kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết, cơ hội để ngành du lịch tái khởi động, phục hồi và phát triển.

Ông Việt đánh giá: “Xu hướng du lịch sau đại dịch được dự đoán khách sẽ đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh, ứng dụng công nghệ quản lý an toàn, dịch vụ hạn chế tiếp xúc, du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch ngắn ngày.

Đặt du lịch cận ngày để tránh rủi ro có thể xảy ra, lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực”.

Tuy có nhu cầu như vậy, nhưng Thứ trưởng bày tỏ du lich Việt Nam sẽ còn gặp nhiều vấn đề do các làn sóng dịch bệnh vẫn có nguy cơ ảnh hưởng.

Doanh nghiệp sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên cần hỗ trợ thiết thực, khuyến khích, tạo điều kiện doanh nghệp duy trì và phục hồi trong bối cảnh mới. Đặc biệt phải nhanh chóng xúc tiến, quảng bá thị trường khách du lịch, chất lượng sản phẩm.

Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp phục hồi ngành du lịch

Trăn trở để mở cửa

Các doanh nghiệp và nhà quản lý đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trước những vấn đề du lịch trong thời kỳ mới.

Đại diện cho tiếng nói các công ty của ngành, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng du lịch chỉ có thể trở lại vào năm 2023, ngành du lịch vẫn sẽ gặp khó khăn và phục hồi chậm, từng phần nên rất cần cú hích mạnh”.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Kỳ mong muốn có chính sách tổng thể đồng bộ, chiến lược chống dịch giai đoạn 2022-2025.

“Phát triển của du lịch chỉ có thể trên cơ sở phục hồi của xã hội, cho nên các doanh nghiệp cần một chính sách dài hạn, rõ ràng để chúng tôi xây dưng kế hoạch”, ông Kỳ bày tỏ.

Đặc biệt cần mở cửa linh hoạt và đồng bộ giữa các địa phương, nhanh chóng phục hồi hệ thống giao thông vận tải, hàng không, hệ thống hạ tầng du lịch và xã hội. Tạo môi trường khai báo y tế giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói: “Hiện nay hàng trăm ngàn tỷ đồng được đầu tư vào các khu du lịch, lưu trú. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này hoạt động rất thấp, gây lãng phí rất lớn. Chúng ta e ngại về dịch nhưng không thể để khối tài sản này thoái hóa, mai một, khiến cho ngành du lịch sụp đổ”.

Du lịch Việt Nam đã qua khoảng thời gian "đẹp"

Cùng với những mong muốn giảm thuế để hỗ trợ của các công ty, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Thuế Việt Nam đã đưa ra những băn khoăn của mình trong lĩnh vực du lịch: “Hoàn thuế VAT cho khách quốc tế đến Việt Nam còn nhiều thủ tục phức tạp.

Khách hàng phải mang hàng đến hải quan cửa khẩu để xuất trình, còn bất cập về việc hoàn thuế, gây mất thời gian cho khách du lịch”.

Ở đây bà Cúc cho rằng, nếu chúng ta muốn tiêu nhiều tiền hơn ở Việt Nam thì cần phải áp dụng hoàn thuế ngay tại điểm mua hàng được các bộ ban ngành lựa chọn.

Trước lo lắng về việc nếu khách hàng mua sản phẩm hoàn thuế xong không ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Cúc bày tỏ ngoài thủ tục visa, cần áp dụng thủ tục vé rời khỏi Việt Nam, áp dụng công nghệ số sẽ khắc phục vấn đề này dễ dàng.

Cần giúp khách du lịch vượt qua nỗi sợ đi du lịch

Vượt qua nỗi sợ đi du lịch

Trong phần thảo luận, ông Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch-khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá nếu không vượt qua nỗi sợ thì sẽ không phát triển được du lịch.

“Chúng ta cần phải vượt qua nỗi sợ, trong giai đoạn hiên nay là việc “sợ Covid”. Thông qua những bài học thực tiễn cho phép chúng ta có thể mở cửa, từ việc giãn cách xã hội khi số ca mắc ở hàng trăm, nhưng hiện nay với hàng nghìn ca chúng ta vẫn mở cửa”, ông Hoàng bày tỏ.

Quan trọng hơn phải lan tỏa trực tiếp đến khách du lịch. Vì ở đây doanh nghiệp cần thị trường, nếu khách du lịch vẫn còn e ngại thì khó có thể phục hồi.

Việc để hành khách không sợ đi du lịch cần cho họ cảm thấy an toàn khi đến các tuyến điểm, xây dựng các bộ tiêu chuẩn an toàn.

Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển” diễn ra vào ngày 25/12 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đồng thời kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước, trong đó có các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang…