Kinh tế vĩ mô

Cần đánh giá thận trọng các yếu tố ảnh hưởng tới thu ngân sách 2023

Chính phủ cần có sự đánh giá thận trọng hơn về rủi ro vĩ mô sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu-chi ngân sách 2023, đồng thời dự kiến những giải pháp tình thế thích hợp.

NSNN hỗ trợ phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, chính sách tiền tệ ở các nước phương Tây đã tác động đến thị trường tài chính Việt Nam, áp lực lạm phát tăng cao, việc xây dựng dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) trở nên khó khăn hơn so với thời điểm xây dựng dự toán NSNN năm 2022.

Tại toạ đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức” do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức vào ngày 10/11/2022, Bộ Tài Chính đã đưa ra ước tính thực hiện NSNN năm 2022. Trong đó mức tổng thu NSNN lên đến 1.614.100 tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán, tỉ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP; thuế, phí đạt 13,9% GDP. Đặc biệt thu nội địa chiếm phần lớn với 80%, đạt 1.292.300 tỷ đồng, tăng 9,8% so với dự toán.

Về tổng chi NSNN, Bộ Tài Chính ước thực hiện 2.035.400 tỷ đồng, tăng 14,1% so với dự toán, trong đó chi thường xuyền chiếm 55%, đạt con số 1.119.200 tỷ đồng, tăng 0,7% so với dự toán và 32,6% là chi trả nợ lãi của Nhà nước, gồm 99.700 tỷ đồng, giảm 3,9% so với dự toán. Trong đó, Bộ cũng cho biết bội chi ngân sách là 421.300 tỷ đồng, bằng 4,5% GDP, chủ yếu bội chi cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoảng 0,41% GDP. Dự kiến đến hết tháng 12/2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP.

Đại diện Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết đến năm 2023, mục tiêu NSNN tập trung hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính. Đồng thời đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách BHXH, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập.

Cụ thể, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2023 là 1.620.700 tỷ đồng. Tỉ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP. Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076.200 tỷ đồng, tăng khoảng 291.600 tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán năm 2022 với hơn nửa là mức chi thường xuyên, 1.172.300 tỷ đồng.

Năm 2023, bội chi NSNN được ước tính là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, trong đó bao gồm 430.500 tỷ đồng bội chi NSTW và 25.000 tỷ đồng bội chi NSĐP. Mức nợ công cũng được Bộ Tài Chính dự toán đến cuối năm 2023 sẽ chiếm từ 44-45% GDP. Mục tiêu cho năm 2023, Bộ Tài Chính cho biết GDP sẽ đạt 6,5% và CPI sẽ đạt 4,5%.

Thực hiện dự toán là một thách thức

Đánh giá về dự toán và việc thực hiện NSNN, PGS, TS.Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính chia sẻ: “Sau nhiều năm, lập dự toán chi đầu tư vẫn là điểm yếu, do vậy việc thực hiện dự toán chi đầu tư công vẫn là một thách thức lớn”.

Bởi theo ông Cường, dự thảo NSNN 2023 còn thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương. Giải ngân đầu tư công thường xuyên chậm trễ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Do vậy, cần có những thảo luận chi tiết hơn về chi đầu tư công trong Dự toán NSNN 2023 cả ở cấp trung ương và tổng thể ở địa phương.

PGS, TS.Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm UBTC NS Quốc hội khoá XIV dự toán NSNN 2023 có phần thận trọng.

Theo đó, dự báo số tăng thu trong bối cảnh vĩ mô hiện nay chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát của năm 2023 dự kiến cao hơn 5%, ông Dũng cho hay.

Tổng thu NSNN giai đoạn 2023-2025 chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN 03 năm 2020-2022, dự kiến tỉ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, tỉ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016-2021 (trung bình 24,6 % tính theo GDP cũ và 18,5 % nếu tính theo GDP điều chỉnh).

Tỉ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, thực tế gánh nặng thuế-phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm (chưa kể gánh nặng không chính thức), nên ông Dũng cho rằng các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi ro vì dự báo sai.

Dự thảo NSNN 2023 thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương.

"Thêm vào đó, dự thảo dự toán NSNN 2023 chưa có thông tin cho phép đánh giá chi NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho KHCN, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành hay không", ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ cấu chi NSNN có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư (dự toán chi đầu tư NSNN chiếm 35 % tổng chi cân đối NSNN 2023 tăng 2,4 điểm phần trăm), nhưng giải pháp cho việc giải ngân là chưa rõ.

Ông Vũ Sỹ Cường khẳng định, nếu tiếp tục giải ngân thấp như những năm vừa qua, thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Kết luận toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), một thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) cũng cho rằng, một số chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách cần được dự báo và đặt mục tiêu sát với thực tiễn của nền kinh tế hiện nay. Hơn nữa, cần có sự đánh giá thận trọng hơn về các rủi ro vĩ mô đã hiện hữu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu-chi ngân sách 2023, đồng thời dự kiến những giải pháp tình thế khi những rủi ro xảy ra. Như vậy mới thể hiện được chất lượng của báo cáo.