Tiêu điểm

Cần đặc biệt cẩn trọng khi quy định về tái định cư trong Luật Đất đai (Sửa đổi)

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý nhấn mạnh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải vừa bảo đảm quyền của người dân, vừa đảm bảo công tác quản lý của nhà nước về đất đai.

Sáng ngày 1/3, phiên thứ hai của Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Quyền của các chủ thể sử dụng đất" đã tiếp tục được diễn ra.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý, đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải thu hồi nhiều đất đai để xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở hạ tầng.

Qua nghiên cứu cho thấy các quy định về tái định cư trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản đã phù hợp với thực tiễn tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên để các quy định về tái định cư được đầy đủ, phù hợp, có tính khả thi hơn, chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục sửa đổi bổ sung và hoàn thiện một số vấn đề.

Thứ nhất, tại Điều 106 về “lập và thực hiện dự án tái định cư”, vị chuyên gia nêu quan điểm nên bổ sung tiến hành điều tra, khảo sát. Trên thực tế vẫn còn các trường hợp tái định cư gần sông, suối, núi cao sạt lở gây mất an toàn cho người dân. Do đó cần điều tra, khảo sát trước khi lập dự án tái định cư.

Thứ hai, tại Điều 106 về “lập và thực hiện dự án tái định cư”, ở khoản 1 có quy định UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư. Theo đó, ông Quý cho rằng UBND cấp xã tham gia tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để việc lập và thực hiện dự án tái định cư thuận lợi và hiệu quả hơn, phù hợp với thực tiễn tái định cư.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 106 "về các điều kiện đảm bảo của khu tái định cư", đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khuyến nghị nên cắt bỏ hai cụm từ “hạ tầng kỹ thuật” và “hạ tầng xã hội” để tránh dài dòng khó hiểu, khó thực hiện và đi thẳng vào các điều kiện bảo đảm của khu tái định cư.

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý phát biểu tại Hội thảo.

Đi sâu hơn vào vấn đề trên, ông Quý nêu tại điểm c khoản 2 Điều 106 quy định khu tái định cư phải đảm bảo điều kiện: "Phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng, miền".

Theo ông Quý, quy định này rất khó thực hiện, bởi vì ở Việt Nam có rất nhiều vùng, miền, có rất nhiều dân tộc, mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán riêng, thậm chí có những phong tục tập quán lạc hậu.

Vì vậy để xây dựng được một khu tái định cư đáp ứng được điều kiện này là không khả thi. Quy định này sẽ tạo ra những khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác tái định cư.

Từ đó có thể một số người dân dựa vào quy định này để khiếu kiện. Vì vậy, theo đó vị chuyên gia đề xuất cần phải xem lại quy định này hoặc sửa đổi khu tái định cư: "Phải phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền mà pháp luật thừa nhận".

Về vấn đề giá đất, Tại khoản 5 Điều 107 có quy định: “Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý để tránh rườm rà khi xác định thẩm quyền quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất và giá nhà tái định cư, cần quy định cụ thể thẩm quyền.

“UBND cấp nào có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, tổ chức thực hiện dự án tái định cư thì UBND cấp đó có thẩm quyền quyết định giá thu tiền sử dụng đất và giá bán nhà tái định cư”, ông Quý nêu quan điểm.

Về việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư, để chặt chẽ hơn PGS.TS đề xuất cần bổ sung vào quy định này thời gian chậm trả tối đa là bao nhiêu ngày để tránh tình trạng chủ đầu tư dây dưa, không chịu trả tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó phải có biện pháp xử phạt lũy tiến đối với chủ đầu tư khi hết thời hạn chậm trả mà vẫn không chịu trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất.

Kết luận, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý nhấn mạnh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải vừa bảo đảm quyền của người dân, vừa đảm bảo công tác quản lý của nhà nước về đất đai.

Đồng thời, ban soạn thảo Luật cần xem xét lại các ngôn từ, cách dùng từ sao cho trau chuốt, gọn ghẽ và dễ hiểu. Không nên dùng những khái niệm chung chung, dài dòng nhưng không cụ thể, gây khó cho các cơ quan quản lý trong quá trình thi hành Luật.