Giáo dục

Cần công khai danh tính thí sinh gian lận: Phân tích hợp tình hợp lý của nguyên ĐBQH Bùi Thị An

Xoay quanh sự việc gian lận điểm thi THPT Quốc Gia 2018 đang gây ồn ào dư luận thời gian gần đây, nguyên ĐBQH Bùi Thị An bày tỏ quan điểm: cần công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi.

Thông tin về danh tính các thí sinh gian lận điểm thi tại các tỉnh thành bị các trường trả về địa phương, cùng với đó là một số thí sinh được nâng điểm tự xin thôi học những ngày qua đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Việc danh tính các thí sinh được công khai đã nhanh chóng nổ ra những cuộc tranh luận lớn trên các diễn đàn mạng, diễn đàn giáo dục.

Để có cái nhìn khách quan, đa chiều, PV báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã lắng nghe những phân tích từ nguyên ĐBQH Bùi Thị An.

Theo đó, ĐBQH Bùi Thị An bày tỏ: “Tôi cho rằng, vụ việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 phải nói là điều vô cùng đáng tiếc, đáng tiếc không phải chỉ ở một tỉnh mà nhiều tỉnh liền. Số lượng học sinh không phải một vài mà lên đến hàng trăm. Khi phát hiện sự việc, bộ GD&ĐT, công an cũng đã vào cuộc nhanh, đã xử lý ráo riết và đã có danh sách những thí sinh được nâng điểm thi bằng cách sửa điểm ở một số tỉnh. Thêm nữa, một số trường đại học đã xử lý bằng cách cho những học sinh được nâng điểm đó thôi học, điều này là kịp thời”.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng nên công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi.

Xử lý sự việc gian lận điểm thi này sao cho ngành giáo dục phát triển bền vững, trong sạch để các em học sinh có những định hướng đúng theo triết lý giáo dục Việt Nam. Đó là phải tạo các em trở thành những con người có ích cho xã hội, cống hiến nhiều cho đất nước.

Cán bộ bước đầu đã công bố danh tính và xử lý, còn phụ huynh và học sinh, theo quan điểm của tôi, thì nên công bố danh sách các phụ huynh có con em được nâng điểm. Trong đó, làm rõ được thì làm rõ chuyện phụ huynh tham gia việc chạy điểm. Còn danh sách học sinh được nâng điểm theo tôi cũng nên công bố.

Vì trong số em được nâng điểm có thể một số rất nhỏ các em không biết sự chênh lệch giữa điểm thực và điểm nâng. Nhưng, các em học sinh đều 17, 18 tuổi nên các em đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi, ứng xử, việc làm của mình.

Đặt vấn đề tại sao các em học sinh được nâng điểm, tôi cho rằng thứ nhất các em đi thi về, chắc chắn các em cũng phải nói là mình không làm được bài với bố mẹ, thì bố mẹ mới đi "đặt vấn đề". Các em không đề nghị bố mẹ đi nâng điểm, nhưng các em có lẽ than phiền với bố mẹ là không làm được bài, nên bố mẹ lo lắng và tìm đến nhờ cậy nâng điểm.

18 tuổi, khi đi thi và với học lực của mình thì các em đã đủ nhận biết được năng lực làm bài của mình đến đâu, điểm số thế nào… Nên việc công khai danh tính thí sinh không có gì là không nhân văn cả.

Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội đến từ Hoà Bình cũng đã xin nghỉ học vì gian lận điểm. 

Muốn để các em học sinh phát triển bền vững theo đúng triết lý giáo dục thì các em phải nhìn thấy lỗi lầm, nhìn thấy lỗi lầm của bố mẹ mình. Để các em phát triển bằng nội lực chính của mình chứ không phải bằng sự chạy chọt, còn nếu để các em phát triển tiếp, che giấu cho các em thì các em sẽ còn phát triển sai lầm tiếp. Tôi giả sử có những em được nâng điểm thủ khoa kép, học đại học Y khoa, học Luật, học ngành Sư phạm, Công an… Thì mai kia, sự gian dối ấy sẽ khiến các em tiếp tục sai lầm nữa, các em ngồi những vị trí cao hơn trong công chức nhà nước thì sẽ làm thế nào?

Tôi đề nghị công khai danh tính để các em biết lỗi lầm của mình, biết sai trái của gia đình mình và từ đó các em phải phấn đấu bằng chính nội lực của mình, nhìn thẳng vào sự thật để sửa. Các cụ ta có câu “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, nên các em sửa thì xã hội sẽ công nhận tiến bộ của các em.

Bà An cho rằng việc công khai danh tính thí sinh gian lận điểm là để các em nhìn vào thấy lỗi lầm mà biết sửa sai.

Có ai nghĩ rằng, có bao nhiêu em học sinh con nhà nông dân nghèo, đi học chăm chỉ, thi điểm rất cao nhưng chỉ thiếu 0,1- 0,2 điểm mà họ trượt đại học, không được vào những trường mà họ mong muốn. Mọi người có nghĩ rằng, hàng nghìn em học sinh đó sẽ ra sao không, trong khi đó những em học sinh gian lận điểm ngang nhiên vào trường, chiếm chỗ của những em chăm chỉ học còn lại chỉ vì họ không có điều kiện. Điều này có nhân văn với các em hay không? Bảo vệ quyền lợi cho trẻ em là bảo vệ quyền lợi chính đáng chứ không bảo vệ cái sai trái.

Tôi đề nghị công khai danh tính thí sinh, phụ huynh, công khai danh tính những người có liên quan. Đây là sai lầm đáng tiếc của ngành giáo dục, để triệt tiêu những hành vi này trong ngành giáo dục thì chế tài xử lý phải nghiêm minh, đủ sức răn đe. Còn không xử lý triệt để thì sang năm lại tiếp diễn, mang tiếng ngành giáo dục”.

Cũng trao đổi với PV, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho rằng: "Lâu nay, khi bàn đến việc công khai danh tính thí sinh liên quan đến gian lận, chúng ta vẫn bị luẩn quẩn giữa nhân văn hay không nhân văn. Tôi cho rằng nói nhân văn chỉ là ngụy biện. Ở góc độ luật pháp đã có quy định rõ ràng. Những người vi phạm pháp luật thì cần phải công khai".