Đối thoại

Cần có chính sách cho lao động làm việc trực tuyến tại nhà

Người lao động vẫn đem lại hiệu quả kinh tế khi làm việc trực tuyến nhưng lại chưa có những cơ chế phù hợp cho hình thức làm việc này.

Theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), trước cuộc khủng hoảng Covid-19, trên toàn thế giới có khoảng 260 triệu lao động làm việc tại nhà, chiếm 7,9% tổng số việc làm toàn cầu và 56% trong số họ (147 triệu người) là nữ.

Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động này, để duy trì hoạt động kinh tế, phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa.

Tuy nhiên, trên thực tế quá trình chuyển đổi còn bị động dẫn đến chưa có những chính sách, quy định phù hợp đối với người lao động, khiến quá trình triển khai gặp nhiều bất cập.

Vẫn đem lại hiệu quả kinh tế

Trước vấn đề làm việc tại nhà có mang lại hiệu quả kinh tế Người Đưa tin đã có trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính.

Chuyên gia khẳng định, mặc dù làm việc từ xa những không thể phủ nhận những hiệu quả mang lại trong thời gian vừa qua. Ông Thịnh nói: “Trong 2 năm đại dịch, việc giãn cách xã hội là bắt buộc trong giai đoạn này, điều này khiến các doanh nghiệp phải chuyển hướng sang hình thức làm việc tại nhà.

Các phương tiện kết nối ngày càng được hoàn thiện, mở rộng mọi tầng lớp nhân dân. Hình thức này đã đem lại lợi ích và hiệu quả cao cho hoạt động kinh tế trong thời gian dịch bệnh phức tạp”.

Ông Thịnh cho rằng làm việc trực tuyến sẽ trở thành xu thế

Ông Thịnh cũng dự đoán trong tương lai, đây là xu hướng, vì thực tế làm việc trực tuyến đã có từ rất lâu, nhưng chưa có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Đại dịch xảy ra, là động lực để hoàn thiện các điều kiện để có thể thực hiện hình thức làm việc này.

“Việc mở rộng hình thức làm việc trực tuyến sẽ trở thành trào lưu trong thời gian tới của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam.

Khi việc này trở thành hình thức phổ biến, chi phí doanh nghiệp sẽ giảm, và cần tính toán lại và bổ sung tiền lương cho người lao động. Những người làm việc tại nhà phải tự chịu điều kiện liên quan đến công việc”, ông Thịnh bày tỏ.

Ở các nước phát triển, những vấn đề này đã được hợp thức hóa trong hợp đồng lao động, thể hiện rõ ràng những quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động trong vấn đề hiệu quả công việc, chi phí,…

Làm việc trực tuyến sẽ là xu hướng cho thời gian tới

Sức khỏe người lao động khi làm việc tại nhà bị ảnh hưởng

Tuy là xu hướng của tương lai, nhưng hình thức làm việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động.

Theo báo cáo kỹ thuật tóm tắt mới về làm việc từ xa an toàn và lành mạnh do hai tổ chức của Liên Hợp Quốc đồng xuất bản đã nêu rõ những lợi ích và nguy cơ về sức khỏe khi làm việc từ xa cảnh báo rằng nếu công tác lập kế hoạch, tổ chức và hỗ trợ sức khỏe và an toàn không được thực hiện một cách đúng đắn, phương thức làm việc từ xa có thể gây tác hại lớn đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và đời sống xã hội của người lao động.

Làm việc từ xa có thể gây nên tình trạng cô lập, kiệt sức, trầm cảm, bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến cơ xương và những chấn thương khác, mỏi mắt, gia tăng tình trạng hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn, ngồi lâu và nhìn màn hình trong thời gian dài và tăng cân không lành mạnh.

Trao đổi với Người Đưa tin xung quanh những vấn đề về tâm lý mà người lao động làm việc tại nhà trong khoảng thời gian giãn cách gặp phải, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng, trưởng nhóm dự án tham vấn tâm lý miễn phí "Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch” cho biết: “Dấu hiện dễ nhận thấy là cảm giác cô đơn của cá nhân khi bị xa cách về thể chất với đồng nghiệp, tương tác chỉ trên chiếc màn hình máy tính. Nhiều người làm việc tại nhà thường cảm thấy bị cô lập vì bị mất đi hay bỏ lỡ những cuộc nói chuyện với đồng nghiệp cũng như không khí của văn phòng”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng

Bên cạnh đó, làm việc tại nhà còn dễ dẫn đến tình trạng làm việc quá sức và mất cân bằng giữa công việc và đời sống hàng ngày.

Khi làm việc tại công ty, ranh giới giữa công việc và cuộc sống thường rất rõ ràng. Cá nhân dễ dàng tắt máy tính và ra về, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày bởi hai không gian là khác nhau.

Nhưng khi làm việc tại nhà, không gian làm việc và không gian sống là một, khiến cá nhân khó có thể tập trung hoàn toàn vào một điều gì (chưa kể gia đình có con nhỏ không thể đến trường), khó khăn để kết thúc một ngày làm việc để chuyển sang hoạt động cá nhân.

“Dành quá nhiều thời gian để xử lý công việc dẫn đến thiếu cân bằng trong cuộc sống, dễ dàng mệt mỏi, kiệt sức. Từ đó, năng suất làm việc giảm, hài lòng với công việc và cuộc sống cũng giảm, kéo theo nhiều sự thay đổi về sinh hoạt hay thói quen như rối loạn ăn uống, sử dụng rượu bia thuốc lá tăng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng bày tỏ.

Dù mỗi người trải qua mức độ ảnh hưởng của làm việc tại nhà là khác nhau, và sẽ có người dễ dàng ứng phó và thích nghi. Nhưng ngược lại, với những cá nhân chưa tìm ra cách ứng phó phù hợp thì họ thường trong trạng thái uể oải, kiệt sức, căng thẳng đã xuất hiện trong thời gian dài.

Môi trường công sở giúp tạo động lực làm việc

Về việc những ảnh hưởng của làm việc tại nhà đối với sức khỏe người lao động, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng cho rằng điều này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm của mỗi cá nhân về các cách họ ứng phó, tốc độ thích nghi, sự hỗ trợ của những người xung quanh,…

Nên khó có thể khẳng định rằng sức khỏe tinh thần của ai làm việc tại nhà lâu dài cũng bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu tận dụng tốt, đó cũng có thể là cơ hội cá nhân có thêm những cách ứng phó và thích nghi mới, gia tăng sự linh hoạt của bản thân.

Từ những ảnh hưởng đã kể trên, để cải thiện những vướng mắc đang gặp phải, cá nhân cần nhận biết được rằng mình không cô đơn trong thời gian làm việc tại nhà cũng như chấp nhận rằng không có một sự cân bằng hoàn hảo nào giữa công việc và cuộc sống.

Không gian làm việc ảnh hưởng không cho đến sức khỏe tinh thần người lao động

Ở đây, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng đưa ra lời khuyên: “Việc đặt một ranh giới rõ ràng cho công việc và cuộc sống là điều rất cần thiết. Đó có thể bắt đầu từ việc: bố trí không gian làm việc thoải mái, riêng biệt với không gian sinh hoạt khác; đặt giới hạn cụ thể cho quỹ thời gian dành cho công việc và cam kết thực hiện trong giới hạn đó để tránh kiệt sức, tắt các thiết bị hay các tab, email công việc sau giờ làm.

Cần giữ kết nối với bạn bè đồng nghiệp; đặt mục tiêu hàng ngày, hàng tuần và quỹ thời gian tương ứng với chúng; đặc biệt, cần dành thời gian để chăm sóc bản thân, thư giãn cũng như dành thời gian cho những người xung quanh”.

Nếu bạn vẫn khó khăn để vượt qua những trở ngại mà làm việc tại nhà mang lại, việc có sự hỗ trợ từ người xung quanh hay chuyên gia tâm lý sẽ là một gợi ý hữu ích.

Điều này cũng phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay, khi mọi thứ có thể làm việc, điều khiển từ xa, không cần thiết phải trực tiếp nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, hiện nay về pháp luật chưa có quy định rõ ràng về làm việc từ xa, vì dịch bệnh chưa có tiền lệ nên có các văn bản hướng dẫn hoạt động. Do đó, mỗi cơ quan khi tổ chức làm việc online từ xa thì tự đưa ra các quy chế để có thể đảm bảo được công việc.

“Thời gian làm việc, trả lương cho những người làm việc từ xa được xác định như thế nào, hiệu quả ra sao thì chưa có hướng dẫn, thống nhất. Đây là vấn đề mới phát sinh nên tôi cho rằng cần vừa làm vừa hoạch định dần.

Cá nhân tôi đánh giá làm việc từ xa là một hình thức tốt, các doanh nghiệp, đơn vị có thể áp dụng được, gửi kết quả bằng email, hồ sơ… Tuy nhiên, một vấn đề nữa cũng cần quan tâm là làm việc online ai sẽ trả tiền điện, nước, các chi phí khác… Nên, cần có quy định pháp lý để người lao động làm việc online yên tâm làm việc, tăng hiệu quả, tăng năng suất lao động”, luật sư Vinh nhấn mạnh.

Hoàng Bích - Hoa Trà