Góc nhìn luật gia

Cần có chế tài riêng biệt, nghiêm khắc đối với hành vi ôm hôn người khác trái ý muốn!

Liên quan vụ nguyên Phó viện trưởng VKSND sàm sỡ bé gái trong thang máy, sau 2 tuần trôi qua, dư luận đang mong chờ động thái tích cực vào cuộc xử lý vụ việc một cách nghiêm khắc từ phía cơ quan chức năng.

Liên quan vụ nguyên Phó viện trưởng VKSND sàm sỡ bé gái trong thang máy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, tập trung làm rõ, có hình thức xử lý thích đáng đúng quy định, sớm trả lời trước dư luận. Bên cạnh đó, nếu trong quy định vẫn còn lỗ hổng hoặc còn nương nhẹ với những vụ việc sàm sỡ như thế này thì cần phải điều chỉnh, sửa đổi theo hướng tăng nặng mức phạt, nghiêm khắc hơn.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý xung quanh vụ việc trên, luật sư Giang Hồng Thanh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Theo quy định tại thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2/1/1998, dâm ô là hành vi sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có hướng dẫn mới về việc thế nào là hành vi dâm ô thay thế hướng dẫn này.

Theo clip được đăng tải, có thể thấy rõ hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng ôm, hôn cháu bé. Tuy nhiên, các hành vi khác như đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm của cháu bé lại không rõ ràng. Đành rằng chỉ riêng việc ông Linh ôm, hôn cháu bé đã là việc làm không chuẩn mực, trái với đạo đức xã hội, đáng lên án, nhưng pháp luật Việt Nam chưa có tiền lệ xử lý một người ôm, hôn người dưới 16 về tội dâm ô nên nếu không chứng minh được ông Linh sờ soạng vào cơ thể cháu bé thì rất khó để kết luận ông này có hành vi dâm ô”.

Ông Nguyễn Hữu Linh khi còn đương chức (ảnh phải) và hình ảnh ông Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy.

Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng: “Việc dư luận bức xúc khi thấy đã nhiều ngày trôi qua mà ông Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị xử lý là rất chính đáng. Nhưng như đã phân tích ở trên, cơ quan điều tra nếu muốn xử lý cũng không thể làm khác được do thiếu chứng cứ. Hơn nữa, ông Linh lại là người am hiểu pháp luật nên quá trình giải quyết càng phải thận trọng”.

Tuy nhiên, cũng theo vị luật sư: “Được biết, vừa qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị TAND Tối cao giải thích, hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Cá nhân tôi thấy rằng, cần phải quy định cả hành vi ôm hôn vào môi người dưới 16 tuổi nếu không có quan hệ thân thích, ruột thịt cũng là hành vi dâm ô”.

Luật sư Thanh nhấn mạnh: “Ngoài ra, cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Hiện nay, đối với các hành động ôm hôn người khác mà không được sự đồng ý của người đó, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng vì áp dụng vào điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này, cụ thể là: "1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;".

Ngoài quy định này không còn quy định khác để xử phạt. Tuy nhiên, việc ôm hôn người khác không thể được coi là "cử chỉ". Do vậy, cần có một chế tài hành chính riêng biệt, độc lập thật nghiêm khắc để áp dụng với các hành vi ôm hôn người khác trái ý muốn người đó nếu như việc ôm hôn đó không cấu thành tội danh hình sự”.