Dân sinh

Cận cảnh tiểu thương phố cổ thẫn thờ ngồi đợi khách

Hoạt động kinh doanh khu vực phố cổ Hà Nội gần như “đóng băng” do tác động của Covid-19. Một số loại hình bán lẻ từng được coi là “gà đẻ trứng vàng” cũng lao đao.

Sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tại thành phố Hà Nội, nhiều chương trình du lịch được sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa ra nhằm kéo khách nội địa đến thăm quan các điểm ở Hà Nội, đồng thời kêu gọi “người dân thành phố, đi du lịch thành phố”.

Tuy nhiên, đại diện một số điểm tham quan tiêu biểu ở phố Cổ Hà Nội thừa nhận, dù có nhiều chương trình được tung ra nhưng lượng khách đến các điểm du lịch này vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa thể quay lại như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, do trước đó, khách quốc tế chiếm thị phần khá lớn.

Du lịch “đóng băng” tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh khu vực phố cổ, từ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch lữ hành đến các loại hình bán lẻ.

Quán nước, cửa hàng ăn sáng,  quán ăn vặt, cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phố cổ đều khá đìu hiu, vắng khách.

Những địa điểm, quán xá vắng bóng du khách.

Đây là một trong những loại hình từng được coi là “gà đẻ trứng vàng” của phố cổ, nhưng giờ đây các con đường, vỉa hè “hái ra đô” đang phải trải qua khoảng thời gian khủng hoảng trầm trọng. Nói như các tiểu thương phố cổ là: “Đến trong mơ cũng không tưởng tượng được”.

Những quầy hàng lưu niệm cũng thưa thớt người ghé mua.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến phố là trung tâm du lịch của phố cổ Hà Nội như: Tạ Hiện, Tràng Tiền, Hàng Mã, khu vực phố đi bộ Hồ Gươm… lượng khách giảm khoảng 50 – 70% và gần như không có khách du lịch quốc tế.

Chú Đông (58 tuổi) một tài xế xích lô quanh phố cổ cho biết: “Gần một tuần nay ngày nào ra phố ngồi, thi thoảng đạp xe loanh quanh những không có một bóng khách. Trước dịch, có trung bình mỗi ngày tôi chạy từ 3 – 5 chuyến, nếu gặp “khách sộp” cũng kiến được tiền triệu mỗi ngày nhưng bây giờ thực sự chỉ đi làm cho vui”.

Các cửa hàng bán đồ lưu niệm ế ẩm mặc dù mở cửa vào những ngày cuối tuần ở phố đi bộ.

Nhiều tiểu thương phải làm thêm công việc khác như shipper, xe ôm… để tìm cách “sống sót” qua giai đoạn khó khăn.

Dịch vụ như chụp ảnh lưu niệm từng một thời bấm máy không ngớt đến nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Thuê mặt tiền ở khu vực “đất vàng” thủ đô với chi phí lên tới hàng chục triệu đồng/tháng, các chủ cơ sở kinh doanh phải đối diện với bài toán khó khi không thể sử dụng hết công suất của cửa hàng.

Để phù hợp với những thay đổi của thị trường, các tiểu thương đã có nhiều biện pháp thích nghi với “thời kỳ mới”, ví dụ như: Đa dạng hóa các mặt hàng, không chỉ hướng tới khách Tây mà tập trung các sản phẩm phục vụ khách trong nước; thay đổi vị trí cửa hàng từ mặt đường lớn vào trong các ngõ nhỏ để giảm áp lực về chi phí hoạt động hàng tháng, làm thêm các cộng việc bán thời gian để tăng thu nhập…