Sự kiện

Cận cảnh những con đường ở Hà Nội mang tên các luật gia lừng danh

Với sự phát triển của Thủ đô, nhiều con đường, tuyến phố được xây dựng và đặt tên những danh nhân nổi tiếng, trong đó có những luật gia, luật sư nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Bạch, Vũ Trọng Khánh...

TS.Phan Văn Trường (1876-1933), ông là Tiến sĩ luật khoa đầu tiên của Việt Nam và còn là một học giả uyên bác, tinh thông cả Hán học và Tây học, là một tri thức yêu nước, tiến bộ.

Năm 1908, ông sang Pháp du học tại Đại học Sorbonne và ngày 03/6/1922, ông trình luận án “Khảo luận về Luật Gia Long”, trở thành Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam. Ông mở văn phòng luật sư và tham gia Đoàn Luật sư Paris, hành nghề tại Tòa Thượng thẩm Paris.

Cuối 1923, TS.Phan Văn Trường quyết định về nước. Tại Sài Gòn, ông vừa hành nghề luật sư, vừa hợp tác với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh cùng làm báo tranh đấu chống thực dân Pháp đến giây phút cuối đời.

Phố Nguyễn Hữu Thọ nối từ cầu Tiên trên đường Giải Phóng đến Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, dài 1.800m, rộng 21m, vỉa hè rộng rãi, có chỗ đến 20m.

Tuyến phố bám sát ven hồ Linh Đàm, là một lá phổi xanh của khu vực. Đây là tuyến đẹp, gắn liền với các khu đô thị mới xây dựng Đại Kim, Bắc Linh Đàm sầm uất.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) sinh tại huyện Bến Lức, Long An. Năm 1930 ông học luật ở Paris. Năm 1948 ông tham gia Mặt trận Liên Việt. Năm 1949 gia nhập Đảng Cộng sản.

Những năm 50 ông hoạt động tích cực trong phong trào trí thức phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương, bị địch bắt giam 2 lần.

Hà Nội cũng vừa có quyết định đặt tên phố mang tên luật sư Vũ Trọng Khánh, con phố Vũ Trọng Khánh dài 1.210m. cắt đường Trần Phú, Hà Đông, đến phố Tố Hữu, là tuyến đường hiện đại, có nhiều chung cư và biệt thự mới xây dựng.

Luật sư Vũ Trọng Khánh là học sinh của Trường Lycee Albert Sarraut Hà Nội và cũng là một trong bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Khi Ủy ban thông qua dự thảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Bản dự thảo Hiến pháp này được Quốc hội thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946, là một bản Hiến pháp mẫu mực và rất tiến bộ.

Phố Trần Cung dài 1,6 km, từ đường Phạm Văn Đồng qua Bệnh viện E đến đường Nguyễn Phong Sắc. Đây vốn là đất xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm trước đây.

Ông Trần Cung (1899 – 1995) quê quán tại Vũ Thư, Thái Bình, tham gia hoạt động từ năm 1923. Năm 1946 ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Sau 1954, ông được phân công về Đảng đoàn, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau là Chánh tòa phúc thẩm TANDTC.

Giao cắt phố Trung Kính, Dương Đình Nghệ đến vòng xoay nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông là con phố Phạm Văn Bạch dài 500m, rộng 40m, hai bên đường là những công trình mới xây dựng khang trang, hiện đại với mật độ dân cư đông đúc.

Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trung học, TS.Phạm Văn Bạch được gia đình cho đi du học tại khoa Luật Trường Đại học Lyon (Pháp) và đỗ Cử nhân Luật, Cử nhân Triết học. Năm 1936, ông đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết – Giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”. Sau khi đỗ Tiến sĩ Luật học, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch trở về Việt Nam, hành nghề luật sư và dạy học ở TP. Cần Thơ.