Văn hoá

Cận cảnh ngôi đền Kim Liên liêng thiêng "hễ cầu tất ứng"

Đền Kim Liên là một ngôi đền thiêng trấn giữ phía Nam trong hệ thống Thăng Long tứ trấn. Hàng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, người dân làng Kim Liên tổ chức mở hội.

Đền Kim Liên ngày nay nằm trên phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền được xây dựng từ khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để bảo vệ phía Nam kinh thành.

Đền thờ thần Cao Sơn Đại Vương, thần phù trợ cho việc canh tác, giảm bớt thiên tai cho người dân. 

Bước qua cổng đền 5 cửa là tới một khoảng sân rộng, sau đó đến nghi môn của đền. Nghi môn là một tòa nhà 3 gian, mái lợp ngói ta, trên các cột trước và sau đều có câu đối ca ngợi công đức của thần Cao Sơn.

Từ sân lên nghi môn phải qua chín bậc thềm bằng đá, hai bên lan can có trang trí hình mây cuộn uốn lượn từ trên xuống, song song với lan can hai bên nhưng cao hơn.

Qua nghi môn, cách một khoảng sân nhỏ là đến bái đường, bái đường có 5 gian.

Sau đó đến hậu cung, hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam – Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân.

Đền Kim Liên được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990.

Hàng năm vào ngày 16/3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần.

Tấm bia cổ nhất ở đền Kim Liên cao 2m43, rộng 1m57, dày 22cm ghi toàn bộ bài minh mà vua đã cảm nhận được sự linh thiêng, phù trợ của thần Cao Sơn Đại Vương. Sau khi bia được dựng lên, nhân dân xây Miếu bao phủ bia. 

Đến nay, đình Kim Liên luôn là điểm thăm quan tâm linh thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan và bái lễ.

Hữu Thắng