Văn hoá

Cận cảnh nét cổ kính của ngôi đình hàng trăm năm tuổi ở Nghệ An

Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá, nhưng đình Liên Trì vẫn giữ được kiến trúc mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Hàng trăm năm nay, đình đã trở thành nơi lưu giữ tâm hồn người dân nơi đây.


Đình Liên Trì, ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An còn có tên gọi khác đó là Tam Tòa và được xây vào năm 1801 dưới triều vua Tây Sơn. Đây là nơi thờ Thành hoàng Uy minh vương Lý Nhật Quang, hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ.

Theo truyền thuyết, đầu thế kỷ XI, Lý Nhật Quang khi làm tri châu ở Nghệ An, trong một lần đánh giặc về bị thương, máu đã chảy xuống ở đây nên ông quyết định nghỉ lại. Sau này, ông đã có cống hiến to lớn trong việc ổn định và phát triển xã hội, có ảnh hưởng lớn đến nhân dân vùng Nghệ - Tĩnh, nên người dân quyết định dựng đền (sau được gọi là đình Liên Trì) để thờ cúng. (Ảnh tư liệu)

Từ xa xưa, đình có kiến trúc tổng thể theo hình chữ tam, gồm 3 tòa nhà là: hạ, trung, thượng. Vì bị chiến tranh tàn phá, đình chỉ còn lại hạ điện là ngôi nhà lớn nhất, đồ sộ nhất với 5 gian và 2 hồi văn. Những năm cuối thế kỉ XX, người dân làng đã dựng thêm ngôi đình hậu.

Trên đỉnh nóc đình đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt” bằng lợp ngói vảy, đầu giao công cong vút với các hình lân, ly uyển chuyển, thanh thoát, được đắp bằng vôi vữa, sành sứ khá tinh xảo.

Diện tích ngôi đình khá rộng (chiều dài 21,3 m, rộng 9,8m mỗi tòa, chiều cao từ nóc 7,6 m). Trong đình có hệ thống cột lim 24 cái, có cột cao tới 5,2m, đường kính gần nửa mét đặt trên đá tảng cao có đục rãnh sâu xung quanh cột. Theo các cụ cao niên, trước đây, đình Liên Trì còn là nơi bình văn, khảo hạch cho học trò trong vùng trước ngày “lều chõng đi thi”. Từ truyền thống hiếu học và thượng võ nêu trên đã tích lũy làm nên một vùng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc hiếm nơi nào có được.

Tại đình còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị về văn hóa và lịch sử, đặc biệt là con ngựa bạch của ngài Lý Nhật Quang cưỡi khi đi đánh giặc.

Đặc biệt, có 2 tấm bia lớn bằng đá xanh được chạm trổ rất công phu. Tấm bia Văn Khoa được dựng năm 1860, cao 2,2m, có thể tích hơn một mét khối, gồm 4 mặt hình chữ nhật bằng nhau. Trên mặt bia là danh sách các vị khoa bảng của làng trong các kì thi gồm: 2 vị hương cống, cử nhân và 28 vị hiệu sinh, tú tài. Còn tấm bia Võ Giai có từ năm 1930, cao 2m, gồm hai mặt cũng được chạm trổ rất tinh vi, trên hai mặt ghi tên 82 vị có bằng sắc về võ.

Đình Liên Trì là chứng tích của biết bao sự kiện lịch sử - văn hóa hào hùng, oanh liệt của cả vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Chỉ tính từ thời Cần Vương đến cách mạng tháng 8/1945, đình là nơi che chở, hội họp của rất nhiều bậc sỹ phu, nghĩa sỹ chống thực dân Pháp. Nhất là trong thời kỳ Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930- 1931) đã có nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, treo cờ Đảng lên cây gạo trước đình.

Quá trình tồn tại lâu dài, vì vậy đình Liên Trì được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia từ năm 1994. Đặc biệt, đình không chỉ là chứng tích lịch sử sinh động, hội tụ và phản ánh những giá trị truyền thống cao đẹp của một vùng quê văn vật, mà còn là nơi giáo dục, “tiếp lửa” truyền thống cách mạng, nhân văn và hiếu học của quê hương.

Tuy nhiên, hiện nay, trải qua hàng trăm năm cùng với sự tàn phá của chiến tranh, đình Liên Trì đang xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Tâm Cẩn, người dân địa phương cho biết: “Đình Liên Trì đang xuống cấp, vì vậy rất mong các cấp chính quyền tiến hành bảo vệ và tôn tạo lại để lưu giữ được di sản văn hóa của làng cũng như của quốc gia”.

Đặng Phát