Mới- nóng

Cận cảnh miếng bít tết đầu tiên được nuôi trồng như rau xanh tại Israel

Một công ty của Israel cho biết họ đã nuôi trồng thành công miếng bít tết có kích thước bằng thẻ tín dụng và đưa vào bữa ăn lần đầu tiên.

Những miếng bít tết này được nuôi trồng bằng cách lấy mẫu tế bào từ động vật sống, sau đó biến chúng thành thức ăn bằng phương pháp ủ.

Trước đây, đã có những mẫu thịt băm và thịt gà được tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy nhưng không thể tạo thành miếng thịt hoàn chỉnh với các cấu trúc mô động vật phức tạp, chẳng hạn như bít tết.

Công ty công nghệ sinh học Aleph Farms tuyên bố đã tìm ra cách sản xuất thịt mà không hề giết mổ động vật, với những miếng thịt có kết cấu giống như miếng thịt đích thực.

Công nghệ này xuất hiện vào thời điểm ngày càng có nhiều người ăn chay và các nhà hoạt động vì quyền động vật đang tiến hành một cuộc chiến đạo đức nhằm chống lại việc ăn thịt.

Cơ sở của công ty công nghệ sinh học Aleph Farms nằm ở ngoại ô Tel Aviv (Israel). Hai vườn ươm có tên là Alberto và Gertrude, là nơi một số đĩa bít tết đang được phát triển với các tế bào từ hai con bò vẫn còn sống khỏe. Họ mô phỏng các điều kiện bên trong một con bò để tạo ra các tế bào chính xác nhất có thể.  

Một loạt các công nghệ phức tạp được ứng dụng để tạo ra bốn loại mô động vật khác nhau bao gồm tế bào gốc, tế bào mỡ, tế bào mạch máu và tế bào cơ. Sau đó chúng được kết hợp để tạo thành một hình dạng phức tạp và mất ba tuần để tạo thành một miếng bít tết đầy đủ.

Công nghệ cho nuôi trồng thịt không độc hại vẫn đang phát triển và Aleph Farms tuyên bố rằng bạn sẽ tốn khoảng 50 đô la cho một miếng bít tết mỏng.

Didier Toubia, Giám đốc điều hành của Aleph Farms cho biết, hương vị của sản phẩm giống thật khoảng 60 - 70%, và sản phẩm sẽ không có sẵn trên thị trường trong ít nhất hai năm tới.

(PV/Lược dịch)