Sự kiện

Cận cảnh công việc của người thợ tiện cuối cùng trên “phố mộc” Hà thành

Trong cửa hàng chỉ khoảng 10m2, không biển hiệu, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng cửa kính, biển hiệu sáng choang trên phố Tố Tịch, phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một người đàn ông vẫn miệt mài bên chiếc máy tiện bám trụ với nghề.

Trong cửa hàng chỉ khoảng 10m2, không biển hiệu, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng cửa kính, biển hiệu sáng choang trên phố Tố Tịch, phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một người đàn ông vẫn miệt mài bên chiếc máy tiện.  Tố Tịch từng được gọi với cái tên "phố mộc".

"Phố mộc" giờ đây chỉ còn ông Lê Đình Thắng (SN 1967) bám trụ với nghề tiện gỗ. Xung quanh căn phòng 10m2 ngổn ngang những khúc gỗ, mùn cưa cùng dụng cụ của nghề mộc.

Ngày nay, phố tiện đã đi qua thời hưng thịnh của nó, lượng khách cũng mất dần. Ông Thắng chỉ túc tắc làm theo đơn đặt hàng của khách.

Các sản phẩm truyền thống của ông Thắng chủ yếu là các đồ thờ trong chùa chiền như: Cây cắm nến, đĩa đựng hoa quả, mâm hứng tàn hương, dùi gõ mõ, ống hương, tràng hạt...

Bây giờ đã ít khách hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng khách hàng lại ngày càng khó tính hơn. Ông Thắng chia sẻ: “Có những sản phẩm yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, có những cái tôi phải làm lại 2-3 lần khách mới nhận. Có những người ngồi lại đây, ưng ý thì mới lấy”.

Nghề tiện đòi hỏi ở người thợ đức tích kiên trì, nhẫn nại. Đặc biệt, người thợ phải có bàn tay tài hoa, khéo léo bởi những đường tiện phải chính xác từng tí một. Cùng với đó là đôi mắt tinh tường sẽ cho ra những sản phẩm cân đối về kích thước, đường nét nuột nà mà không cần phải đo đạc, kẻ vẽ nhiều

Để làm được một sản phẩm tiện gỗ, người thợ phải khéo léo tính toán từng công đoạn. Tùy theo độ khó của sản phẩm mà cần thời gian chế tác tương ứng.

Gỗ trước khi đưa vào gia công phải được sơ chế, đẽo tròn qua cho bớt các góc cạnh, gỗ để khô vừa đủ, sau đó mới bắt đầu tiến hành các công đoạn chế tác.

Từng đường tiện đòi hỏi sự chính xác cao.

Người thợ phải khéo léo tính toán từng công đoạn.

Trước sự đa dạng hóa bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, việc làm sao để giữ nghề mà vẫn ổn định thu nhập cuộc sống là một bài toán khó đối với người làm nghề truyền thống như ông.

Ông Thắng chia sẻ: " Tôi luôn để bức ảnh người bố đang cần mẫn làm việc ở cạnh chỗ làm việc cũng như cách sắp xếp cửa hàng là muốn lưu giữ những gì tốt đẹp nhất người bố, về nghề tiện - nghề của cha ông để lại, cũng như để có động lực “bám trụ” .

30 năm theo nghề, gìn giữ nghề, nó không chỉ đòi ở ông sự công phu, tỉ mỉ mà còn đòi hỏi cả một tinh thần vững vàng, ý chí thép. Có lẽ, bản thân đã từng là người lính, được rèn rũa trong môi trường quân đội, nên ông Thắng đã mang tinh thần đó để giữ lấy nghề, mong ngọn lửa nghề mãi còn rực sáng.