Sự kiện

Cận cảnh công việc của người thợ rèn cuối cùng bám trụ trên phố Lò Rèn

Trải qua khá nhiều nghề, như một định mệnh cuối cùng ông Nguyễn Phương Hùng lại quay về nối nghiệp cha ông làm nghề rèn. Đến nay, cả dãy phố Lò Rèn cũng chỉ còn một người thợ duy nhất cần mẫn “giữ lửa”, bám trụ với nghề truyền thống này.

Video:

Dọc con phố Lò Rèn phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) do nghề cơ khí tự đã động hóa rất nhiều, người dân không còn mặn mà với nghề thủ công truyền thống

Cả con phố nay chỉ còn một người vẫn miệt mài tay đe tay búa ngồi trước bễ lò rực lửa, hoa lửa bốc lên đỏ rừng rực.

Người thợ rèn cuối cùng trên phố Lò Rèn chính là ông Nguyễn Phương Hùng (60 tuổi), ông Hùng cho biết, ông nội là người “gánh” nghề nặng nhọc này từ làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra lập nghiệp ở phố Lò Rèn. "Cửa hàng này có từ thời ông nội truyền lại cho bố tôi và giờ là tôi tiếp quản", ông Hùng cho biết.

Nghề này suốt ngày bám mặt với với muội than, dầu mỡ và bán sức cho những quai búa nặng trĩu.

Theo ông Hùng vật dụng quan trọng nhất của nghề rèn chính là đe, búa...

và lò lửa luôn rực đỏ.

Đây là nghề đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, nhưng không phải kiểu vai u thịt bắp. Phải có cái tinh của thợ kim hoàn, cái khéo léo của thợ may và cái uyển chuyển của thợ dệt.

Những chi tiết kim loại đòi hỏi phải có sự chính xác cao độ, chỉ cần ngọn lửa quá to, sản phẩm sẽ già, giòn và dễ gãy.

Hiện nay, mặt hàng được ông làm nhiều là các mũi đục bê tông.

Người thợ phải mất nhiều công sức, rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao.

Đây là công việc vất vả nên chẳng ai mặn mà muốn nối nghiệp dẫn đến việc cả phố Lò Rèn nay chỉ còn duy nhất một người vẫn đỏ lửa với tay đe, tay búa.

Gạt đi giọt mồ hôi trên trán, ông Hùng cho biết: "Tôi làm không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn muốn “giữ lửa” cho cả con phố Lò Rèn. Còn tên phố thì tôi còn làm nghề, tôi sẽ theo nghề đến hơi thở cuối cùng".