Sự kiện

Cận cảnh cầu Long Biên phiên bản 1,7m

Được chế tác hoàn toàn thủ công và hoàn thiện sau 500 giờ lao động, tác phẩm mô hình cầu Long Biên của anh Hồng Vỹ ở Hà Nội được đánh giá là tinh xảo nhất từ trước tới nay.

Mô hình một phần cây cầu Long Biên thu nhỏ này được "ra đời" tại Đà Lạt. Đây là sản phẩm sau 500 giờ cần mẫn thực hiện của anh Nguyễn Thiện Chương (sinh năm 1985) với ý tưởng từ người bạn phương xa - anh Nguyễn Hồng Vỹ (Long Biên, Hà Nội) - gợi ý.

Từ tình yêu đặc biệt với cây cầy này, suốt từ những năm 2010, anh Vỹ đã ấp ủ dự định làm một mô hình cầu Long Biên cho riêng mình. Thế nhưng dù anh đến nhiều nơi, tìm nhiều người nổi tiếng trong giới chơi mô hình khắp cả nước vẫn không ai gật đầu đồng ý thực hiện ý tưởng này.

Mãi đến năm 2019, anh mới tìm đến một người bạn đang sinh sống tại Đà Lạt là anh Nguyễn Thiện Chương để nhờ anh Chương cùng mình hoàn thành "ước mơ" sở hữu bản mô hình thu nhỏ của cây cầu lịch sử.

Thế nhưng, sau 3 tháng liên tục liên lạc giữa Hà Nội và Đà Lạt, mô hình một phần cầu Long Biên đã ra đời bằng tâm huyết của cả 2.

Mô hình có tổng chiều dài 1,7m; cao 0,6m (gồm cả trụ cầu), chiều rộng 0,25m và được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, nhựa mô hình, sắt....

Phần đường ray tàu hỏa được làm bằng gỗ, các thanh dầm gỗ được cắt không đều tay để tạo cảm giác như thật.

Theo anh Nguyễn Hồng Vỹ - chủ nhân của mô hình cầu Long Biên, dự án do anh và nghệ nhân Nguyễn Thiện Chương (Đà Lạt) phối hợp thực hiện. Khâu lên ý tưởng và cung cấp tư liệu được anh Vỹ đảm nhận, còn phần chế tác dựng mô hình được nghệ nhân Chương phụ trách.

Mô hình tấm biển ghi tên nhà thầu Daydé & Pillé được gắn trên cầu Long Biên. Phía trên là năm khởi công và khánh thành. Các chi tiết gỉ sét được thêm vào cho giống thật.

Anh Vỹ chia sẻ: "Cây cầu này được tôi vận chuyển ra Hà Nội bằng đường hàng không, vì nếu lựa chọn gửi ô tô thì rất rủi ro. Chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể phá vỡ mô hình đặc biệt này".

Nơi nghỉ chân giữa cầu cũng được thiết kế tượng tự như phiên bản thật.

Từng chi tiết trên mô hình đều được chế tác tỉ mỉ.

Trụ cầu cũng được làm giả màu bê tông cũ, y hệt như ngoài đời thực.

Anh Vỹ cũng cho biết thêm: "Mô hình này vẫn có chút ít điểm chưa giống hoàn toàn cây cầu thật, ví dụ như hệ thống đèn hay mặt cầu quá bằng phẳng. Thế nhưng tôi vẫn xem nó như kiệt tác. Mỗi lần ngắm nhìn nó tôi đều thấy tự hào về Hà Nội, tự hào về những năm tháng tuổi thơ, tuổi trẻ gắn liền với cây cầu và mảnh đất này".