Bất động sản

Cận cảnh 4 tuyến đường "dát vàng" ở Thủ Thiêm do ông Tất Thành Cang ký duyệt

Dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm với tổng chi phí hơn 12.000 tỷ đồng là một trong những nội dung liên quan đến sai phạm rất nghiêm trọng của ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.

Cận cảnh 4 tuyến đường nghìn tỷ liên quan đến sai phạm của ông Tất Thành Cang.

Dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1); Đường ven hồ trung tâm (tuyến R2); Đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3); Đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông – khu dân cư (tuyến R4), có tổng chiều dài khoảng 11,9km, (bao gồm 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn).

Để xây dựng 4 con đường dài 12km này, chủ đầu tư bỏ ra hơn 12.000 tỷ đồng. Tính ra mỗi km có tổng chi phí hơn 1.000 tỷ đồng. Đổi lại, TP.HCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha “đất vàng” tại 2 phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông ở quận 2.

Theo kết luận của UBKTTW công bố ngày 15/11 vừa qua, sai phạm của ông Cang tại KĐT mới Thủ Thiêm là vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

UBKTTW kết luận, những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Trước đó, vào thời điểm tháng 11/2013, công ty Cổ phần Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với UBND TP.HCM, đồng thời, khởi công dự án từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, đến ngày 1/12/2014, Giám đốc sở Tài chính TP.HCM mới ký hợp đồng BT với 4 tuyến đường này.

Bản hợp đồng được ký vào thời điểm tháng 11/2013 do ông Tất Thành Cang - khi đó làm Giám đốc sở Giao thông vận tải, đại diện cho UBND TP.HCM ký và được đóng dấu "mật".

Những tuyến đường "dát vàng" trong KĐT mới Thủ Thiêm

Vẫn còn đó những công trình đang dang dở. Song, nhà đầu tư đã hoàn tất... các hạng mục bất động sản thương mại.

Để thanh toán cho nhà đầu tư, TP.HCM đề nghị bộ Tài chính đồng ý để địa phương này thực hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT theo các nguyên tắc: Thành phố thanh toán dự án BT cho 4 tuyến đường bằng việc giao cùng thời điểm cho nhà đầu tư toàn bộ khu đất (không phải chờ đến khi hoàn thành 4 tuyến đường) trong KĐT này.

Bên cạnh đó, nếu trường hợp tổng mức đầu tư dự án của các tuyến đường thấp hơn tổng giá trị các khu đất được giao thì cho phép nhà đầu tư được nộp phần chênh lệch bằng việc bổ sung các dự án BT khác trong KĐT mới Thủ Thiêm như: Quảng trường trung tâm, cầu đi bộ, công viên bờ sông...

Trung bình mỗi km đường tại KĐT Thủ Thiêm (1.000 tỷ đồng/km đường) đắt gấp 4 lần so với tuyến cao tốc Bắc - Nam và gấp 3 lần so với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km).

Theo kết luận của UBKTTW, ông Cang đại diện cho TP.HCM ký với Đại Quang Minh là không đúng thẩm quyền theo quy định hiện hành. Hơn nữa, đầu tư theo hình thức BT, địa phương này chỉ được phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Toàn cảnh 4 tuyến đường 12.000 tỷ tại KĐT Thủ Thiêm

Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận cho tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong KĐT Thủ Thiêm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Sau đó, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm tuyến Vòng cung Châu Thổ nên dự án có 4 tuyến đường. Đến cuối năm 2012, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng công ty Đại Quang Minh. Ngày 7/12/2012, TP.HCM đồng ý với sự hợp tác trên. 

THANH TÙNG - HƯNG VẬN