An ninh - Hình sự

Cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội dâm ô nhiều bé gái: Trách nhiệm cao nhất thuộc về ai?

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Để xảy ra sự việc cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội dâm ô nhiều bé gái (thuộc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP HCM) thì trách nhiệm chắc chắn thuộc cơ quan quản lý nhà nước, trực thuộc ai người đó phải chịu đầu tiên và theo ngành dọc lên cấp trên”.

Dư luận đang bức xúc trước sự việc cán bộ phòng Quản lý hồ sơ tại Trung tâm hỗ trợ xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP HCM) bị 6 trẻ em độ tuổi từ 13 đến 15 tố cáo.

Theo điều tra trong vài tháng qua, cứ sau 21h, cán bộ này dụ các bé muốn hút thuốc lá thì cho ông ta sờ ngực hoặc vùng kín, hứa sẽ gọi điện cho người thân “lo” cho em về nhà. Một số lần ông ta say rượu còn bắt các bé sờ chỗ nhạy cảm để thoả mãn.

Cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội bị tố dâm ô nhiều bé gái.

Câu chuyện này đang khiến nhiều người đặt câu hỏi, để xảy ra sự việc tại trung tâm hỗ trợ xã hội thì trách nhiệm thuộc về ai?

Về vấn đề này nguyên ĐBQH Bùi Thị An khẳng định: “Đây là hành động vô nhân đạo, vì những đứa trẻ này yếu thế nên mới phải vào đây. Tại sao lại để một nơi có mục tiêu nhân đạo lại có hành vi phản đạo đức. Điều này đồng nghĩa với việc làm sai lệch hoàn toàn mục tiêu ban đầu đề ra nên phải trị tận gốc".

Theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An trách nhiệm chắc chắn thuộc cơ quan quản lý nhà nước, trực thuộc ai người đó phải chịu đầu tiên và theo ngành dọc lên cấp trên nữa. Khi đã thành lập ra những trung tâm, cho họ hoạt động, cơ quan quản lý phải giám sát, theo dõi chứ không thể “mang con bỏ chợ”.

“Người gây ra hành vi đồi bại này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thế nhưng người quản lý nó, đầu tiên là cấp cơ sở, sau đó cấp trên nữa cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng ta cần xem xét lại tất cả các quy chế từ thành lập trung tâm đến lựa chọn con người. Quản lý các trung tâm này không chỉ quan tâm đến tiêu chí lý thuyết như bằng cấp mà phải có sự trải nghiệm thực tế và đạo đức”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nói.

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An.

Cùng chia sẻ với PV về vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho biết: “Bản thân cá nhân có hành vi sai trái với nhiều em gái sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Còn trách nhiệm nữa là thuộc về nơi quản lý trung tâm này và trách nhiệm của ngành Lao động - Thương Binh và Xã hội”.

Bà Hồng chỉ ra một điều, hiện nay, tại các nơi nuôi dưỡng trẻ em tập trung, bao gồm cả các trường nội trú, các trung tâm  bảo trợ xã hội, việc chọn lựa cán bộ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em của ta còn những lỗ hổng. Ngoài chuyên môn ra thì cần có phẩm chất đạo đức và có những cơ chế để giám sát chặt chẽ và cơ chế để phát hiện sớm những hành vi xấu. Về mặt này, cơ quan quản lý nhà nước làm chưa tốt.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần dạy các em phải biết tự bảo vệ bản thân. Khi thấy có những hành động không tốt với bản thân mình các em cần phải tố cáo ngay.

Mai Thu