Giáo dục

Cán bộ sở GD&ĐT Sơn La nhận 1 tỷ để nâng điểm: Cần điều tra vai trò của Giám đốc Sở!

Giai đoạn 1 của vụ án gian lận điểm thi Sơn La đã khép lại, khi 8 bị can bị đề nghị truy tố, giai đoạn 2 của vụ án cũng bắt đầu mở ra. Theo lời khai chi tiết của bị can Trần Xuân Yến, cơ quan điều tra có khá nhiều “mục tiêu” để nhắm đến.

Ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo VKSND tỉnh Sơn La, đây mới là giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm và môn Ngữ văn tự luận của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của 2 cựu cán bộ công an tỉnh... “Khi 8 bị can bị đề nghị truy tố, giai đoạn 2 của vụ án cũng bắt đầu mở ra”, vị này nói.

Kết quả điều tra giai đoạn 1 cho thấy bị can Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc sở GD&ĐT đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số đó, có 8 trường hợp do chính Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La “gửi gắm”.

Cụ thể, theo ông Yến, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc, đưa cho ông Yến 2 tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo “đặt hàng”.

Truy tìm sự thật từ lời khai của bị can

Trước diễn biến điều tra về vụ gian lận thi cử Sơn La, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Thái độ “né tránh” báo chí của Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La là không được, đáng lẽ phải hợp tác với báo chí để làm rõ vụ việc. Tại sao ông ấy lại “né tránh” báo chí, “cây ngay” thì sợ gì “chết đứng”?

Chính ra, đối với những vấn đề nhạy cảm như thế này, càng phải nhờ báo chí can thiệp để chứng minh sự trong sạch của mình. Việc Giám đốc Sở không chia sẻ với báo chí, vô tình tạo cảm giác “bị ám thị”, bị ám ảnh bản thân làm, nếu thực sự không làm thì đáng ra nên hồ hởi trước báo chí, cung cấp những thông tin, bằng chứng cho thấy bản thân vô can.

Thứ hai, lời khai của ông Trần Xuân Yến cũng phải đồng thời đưa ra được chứng cứ, nếu không, sẽ chỉ như một câu nói “thuận miệng” mà “đổ” như vậy, chẳng ai tin. Vậy là cả hai ông đều đang khiến mọi người có những băn khoăn”.

Công an đọc quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng Nga. (Ảnh: Công an Sơn La).

“Trong gian đoạn 2 tới đây của vụ án, cơ quan điều tra sẽ có nhiều việc phải làm, trong đó cần thiết phải điều tra đối với cá nhân Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cũng như làm rõ vai trò của một số trung gian “nhờ vả” nâng điểm và số phụ huynh liên quan tới việc nâng điểm này, lần theo lời khai chi tiết của ông Trần Xuân Yến.

Đối với lời khai của ông Trần Xuân Yến, nếu như trước đó nhận chỉ đạo của Giám đốc Sở Hoàng Tiến Đức mà tham gia nâng điểm cùng với những ai, thì nên vận động những người đó lên tiếng để sớm có kết quả.

Và Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định trước đó rồi, bất kỳ ai “dính” vào thì đều phải xử nghiêm, không có “vùng cấm”. Vậy nên, phải điều tra, xác minh rõ để xử lý triệt để”, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định.

Ông bày tỏ: “Tôi cũng hy vọng, đến một lúc nào đó, tất cả mọi người đều nhận thấy cần phải nhanh chóng phơi bày toàn bộ những sai phạm ra ánh sáng. Thậm chí, bản thân những người “dính” đến sai phạm, có thể tự giác đứng ra nhận trách nhiệm, để được hưởng khoan hồng”.

Cẩn trọng tiếp cận chân tướng

Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng nhận định: “Vụ việc này đã đi quá lâu, quần chúng đang ngày càng bức xúc, bởi, cũng sắp đến kỳ thi THPT Quốc gia 2019, mà vụ án vẫn chưa đi đến hồi kết. Ai cũng mong kết thúc vụ án, giải quyết triệt để, để kỳ thi mới không còn những băn khoăn từ sai phạm năm cũ.

Nếu kỳ thi THPT Quốc gia 2019 mà tiếp tục gặp sai phạm, trong khi kỳ thi cũ chưa xử lý xong, thì sai phạm chồng sai phạm, không bao giờ giải quyết được. Vì thế, cơ quan điều tra cũng cần phải đẩy nhanh tốc độ điều tra”.

Ông nhấn mạnh: “Bản thân những người xử lý sai phạm phải làm thật cẩn trọng, không để xuất hiện những “kẽ hở” để kẻ gian có cơ hội luồn lách”.

Trước thông tin, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng hy vọng: “Chúng ta đừng nghĩ là chỉ dừng lại ở giai đoạn 1, bởi vì khi tiếp tục bước vào giai đoạn 2, vụ án tiếp tục được mở ra, sự công bằng mới có thể đến được với mọi người. Khi đó, bản chất của vụ việc này mới được xem xét một cách đầy đủ hơn.

Hiện tại, việc điều tra vụ án đang phát triển theo hướng, dần dần tiếp cận với sự thật, sự công bằng thực sự sẽ được “phủ sóng”, tìm ra được chân tướng thực sự phía sau vụ gian lận”.

TS. Lê Viết Khuyến.

“Theo tôi, đối với vụ gian lận thi cử này, ai cũng sốt ruột, những cũng không thể vì thế mà quá nôn nóng, mà phải tiến hành điều tra thật cẩn trọng, tỉ mỉ, kỹ càng.

Cũng như việc, phải đấu tranh rất nhiều thì ông Trần Xuân Yến mới khai ra, nếu sự đấu tranh chỉ hời hợt thì ông ấy vẫn có thể “nghiến răng chịu đựng” mà không cho lời khai chì chúng ta đã không thể tiếp cận được nhiều hơn đến gốc rễ của vụ viêc.

Vì vậy, giai đoạn 2 này, mặc dù rất gấp rút những chúng ta cũng phải làm thật nghiêm túc, “đào sâu, mở rộng” và thật cẩn trọng”.

Như báo Người Đưa Tin đã đưa, sáng 25/5, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La, để hỏi về thông tin bị can Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở khai với cơ quan điều tra được chính Giám đốc “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Khi đó, ông Hoàng Tiến Đức tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc, rồi trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.

Khi PV tiếp tục đặt câu hỏi: “Tức là thông tin ông Yến khai là không đúng?”, ông Hoàng Tiến Đức đáp: “Ừ”, sau đó cúp máy.

 

Clip: Thứ trưởng bộ GD&ĐT nói về trách nhiệm người đứng đầu sau khi để xảy ra sai phạm thi THPT Quốc gia