Quan điểm

Cán bộ phải tuân thủ luật mới thuyết phục được nhân dân làm đúng!

Cán bộ có quyền đại diện pháp luật nhưng nếu không tuân thủ pháp luật thì rất khó thuyết phục để yêu cầu người dân làm đúng. Chính các cơ quan công quyền phải đi đầu, làm gương trong thực thi pháp luật thì mới yêu cầu nhân dân làm đúng một cách hiệu quả được.

Mới đây, dư luận ở TP.Huế xôn xao câu chuyện mà báo chí đưa tin về hàng loạt xe công vụ của công an phường không tem đăng kiểm, hết hạn kiểm định nhưng vẫn chạy trên đường thực thi nhiệm vụ.

Theo báo Vietnamnet đưa, các phương tiện này mang biển xanh, trên phần thùng và cabin dán chữ “Cảnh sát” hay “Công an phường…” được lực lượng chức năng các phường đưa vào sử dụng, hoạt động khắp các tuyến đường TP.Huế.

Tuy nhiên, trên kính trước của nhiều xe không gắn tem kiểm định hoặc tem kiểm định đã hết hạn.

Xe biển xanh không dán tem đăng kiểm của phường Hương Long (TP.Huế) được sử dụng đảm bảo trật tự. (Ảnh báo Vietnamnet)

Báo này dẫn một điển hình về trường hợp xe tải mang BKS: 75C-0671 được cấp cho Công an phường Xuân Phú (TP.Huế) quản lí, sử dụng và được Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm số A0000119. Thế nhưng điều lạ là, thông tin trên tem kiểm định của phương tiện này thể hiện, ngày kiểm định tiếp theo là tháng 08/2019, nghĩa là, hạn kiểm định của xe công vụ mang BKS: 75C-0671 đã hết gần 1 năm.

Chiếc xe công vụ BKS: 75A-002.68 của Công an phường Thuận Thành quản lý, sử dụng cũng tương tự.

Trước tình trạng này, một cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Thừa Thiên-Huế nói với báo chí rằng, theo quy định hiện tại, phương tiện cơ giới của lực lượng Công an và Quân đội do 2 đơn vị này độc lập kiểm định và dĩ nhiên vẫn phải dán tem đăng kiểm trên kính chắn gió.

“Việc đăng kiểm xe rất quan trọng. Quá trình kiểm tra, thông thường các đơn vị kiểm định sẽ kiểm tra phanh xe, đèn xe, lốp xe, máy móc… để xác định phương tiện đủ điền kiện lưu thông hay không. Sau khi kiểm định, tất cả các phương tiện đáp ứng quy định sẽ được dán tem kiểm định lên phần kính chắn gió theo quy định của Luật Giao thông đường bộ”, vị cán bộ này cho biết.

Theo Luật quy định, chức năng nhiệm vụ của Công an xã, phường có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn mình phụ trách.

Trong đó liên quan đến vấn đề giao thông, lực lượng này được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông như: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông… 

Và để tạo điều kiện cho lực lượng này trong việc thực thi nhiệm vụ, hiện nhiều địa phương đã bố trí các xe chuyên dụng riêng.

Tuy nhiên, câu chuyện về nhiều xe chuyên dụng của công an phường ở Huế tem kiểm định đã hết hạn hoặc không gắn tem kiểm định theo quy định đã khiến người viết đặt dấu hỏi, một khi cán bộ công vụ không tuân thủ pháp luật thì liệu có đủ tư cách để yêu cầu người dân thực hiện đúng pháp luật?

Cán bộ có quyền đại diện pháp luật nhưng nếu không tuân thủ pháp luật thì rất khó thuyết phục để yêu cầu người dân làm đúng. Chính các cơ quan công quyền phải đi đầu, làm gương trong thực thi pháp luật thì mới yêu cầu nhân dân làm đúng một cách hiệu quả được.

Câu chuyện tưởng như không lớn nhưng lại là một vấn đề không nhỏ trong hành pháp. Và nó không chỉ dừng lại ở việc những chiếc xe không kiểm định, kiểm định hết hạn mà còn khiến dư luận hoài nghi ở nhiều khía cạnh khác. Bởi rõ ràng, xe chuyên dụng, công vụ khi giao về các đơn vị sử dụng, quản lý thì hàng năm đều có kinh phí để duy tu, sửa chữa, trong đó kinh phí để kiểm định xe theo quy định của pháp luật là không thể không có. Việc những chiếc xe nói trên không kiểm định, kiểm định hết hạn thì lâu nay, kinh phí trên đang ở đâu và đã được sử dụng vào việc gì?

Thừa Thiên-Huế đang làm rất tốt và là điển hình trong xử lý trật tự đô thị, an ninh xã hội. Trong đó, nhờ sự đầu tư  xây dựng đô thị thông minh với sự hoạt động hiệu quả của Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh.

Thông qua ứng dụng Hue-S, những phản ánh các vấn đề về trật tự đô thị, an toàn giao thông, xây dựng, dịch vụ du lịch… của người dân luôn có một đội “phản ứng nhanh” tiếp nhận, xử lý. Đội "phản ứng nhanh" này trong nhiều trường hợp không thể thiếu có sự hỗ trợ của lực lượng Công an phường. Và sẽ rất phản cảm và không thực sự thuyết phục nếu như lực lượng này lại đi thi hành nhiệm vụ, xử lý các sai phạm pháp luật trên một chiếc xe không đúng quy định, không tuân thủ pháp luật.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh nhà cần vào cuộc xử lý, làm rõ vấn đề này. Khi cả hệ thống đã cùng chung tay xây dựng Đô thị thông minh thì không thể để một khía cạnh không hay ngay ở một bộ phận thi hành pháp luật làm cho bức tranh về đô thị Huế không trọn vẹn được.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả