Góc nhìn luật gia

Cán bộ, doanh nghiệp đưa hối lộ đoàn thanh tra ở Vĩnh Phúc có thể được trả lại tiền?

Theo Luật sư phân tích, nếu đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác được xem là không có tội, hoặc có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, sẽ được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Chủ động khai báo trước sẽ được miễn truy cứu

Mới đây, VKS nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1975, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc) cùng Đặng Hải Anh (SN 1981), Nguyễn Thùy Linh (SN 1994) về tội "Nhận hối lộ".

Theo điều tra ban đầu, ngày 12/6, Công an tỉnh Vĩnh phúc bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Anh về 2 hành vi: Nhận 68 triệu đồng của ông Trần Hanh (SN 1971, là kế toán UBND xã Tân Tiến) và nhận 91,5 triệu đồng của ông Đỗ Mạnh Cường (SN 1979, công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang).

Cùng ngày, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh phúc bắt quả tang ông Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng của anh Đỗ Ngọc Yên (SN 1984, là Phó Giám đốc Công ty Đức Trung).

Tuy nhiên, những trường hợp "đưa hối lộ" vi phạm pháp luật thế nào? Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, trong trường hợp này có hai tình huống xảy ra.

Thứ nhất, nếu kế toán xã, thị trấn và Phó Giám đốc doanh nghiệp trước đó đã thỏa thuận với đoàn thanh tra, sau đó trực tiếp đưa tiền cho đoàn nhằm mục đích để họ bỏ qua sai phạm, khi đưa tiền bị bắt quả tang, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ, theo Điều 364, Bộ luật Hình sự và cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với người đưa hối lộ.

Trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, nơi đoàn thanh tra bị lập biên bản.

 

Thứ hai, nếu việc đưa tiền là do bị đoàn cán bộ thanh tra đe dọa, “vòi” tiền hoặc họ đưa hối lộ trong trường hợp không bị ép buộc, nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì những người đưa tiền được xem là không có tội, hoặc có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.  Đồng thời, sẽ được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, quy định này trong Bộ luật Hình sự nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức chấp nhận đứng ra tố cáo tham nhũng mà không lo bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, cơ quan điều tra cần làm rõ các khoản tiền mà cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận là do ai đưa, có bị đoàn thanh tra ép buộc hay không, người đó đã khai báo trước khi bị phát giác hay chưa để có phương án xử lý, tránh làm oan người vô tội, đồng thời không bỏ lọt, bao che cho người phạm pháp.

Đồng ý với phân tích trên, luật sư Trương Anh Đức, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, về nguyên tắc tội nhận hối lộ và đưa hối lộ hiện nay được xét xử ngang nhau. Trường hợp người đưa hối lộ mà thông báo trước sẽ được xử vô tội, tố cáo sau khi bị phát giác có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ đến mức thấp nhất.

"Để nêu cao tinh thần tố giác tội "Nhận hối lộ" rất cần điều chỉnh khung hình phạt như hiện nay để khuyến khích người đưa hối lộ có thể tố cáo người nhận hối lộ trong bất kỳ giai đoạn nào", vị luật sư bày tỏ.

Cần làm rõ thành viên còn lại

Cung theo luật sư Giáp, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm liên quan đối với những thành viên trong đoàn thanh tra chưa bị khởi tố, tạm giữ. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ trên cơ sở lời khai của những đối tượng bị bắt và bằng chứng thu thập được, để chứng minh hành vi của họ.

Luật sư Giáp nhấn mạnh: "Nếu trong nhóm chỉ có 3 đối tượng bàn bạc ăn chia tiền cùng nhau, những người còn lại không có mặt tại thời điểm bị bắt quả tang, không tham gia bàn bạc, thỏa thuận, hứa hẹn nhận tiền hoặc vật chất với ai khác, thì họ vô can".

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra cùng 2 thành viên trong đoàn đã bị khởi tố. 

"Những người làm thanh tra, đáng lẽ phải công tâm, minh bạch, nhưng vì lòng tham, vì lợi ích riêng mà các thành viên trong đoàn có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, vi phạm những điều cấm theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng.

Hành vi của họ gây ảnh hưởng đến danh dự của toàn ngành, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc để răn đe. Sự việc là lời cảnh báo cho các cơ quan chức năng bị thanh tra, hoặc các cơ quan thanh tra cần phải tuân thủ pháp luật. Khi thanh tra phải làm công bằng, liên chính, không vì động cơ mục đích riêng để vụ lợi cá nhân.

Cơ quan thanh tra cũng phải có kế hoạch cụ thể giám sát chặt chẽ hoạt động của cán bộ thanh tra, không thể cử người đi làm việc mà không có phương án gì giám sát họ", vị luật sư bày tỏ.

Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Nhận hối lộ": Nếu số tiền nhận hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, nếu bị kết tội thì người đó sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm; Trên 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, mức án sẽ là 7 đến 15 năm tù; Từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng mức án là 15 đến 20 năm tù; Từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức án từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tội "Đưa hối lộ"  được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với tội danh này, người phạm tội sẽ bị phạt hành chính từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, số tiền đã đưa hối lộ. Nếu số tiền đưa hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, thì người phạm tội có thể đối mặt mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.