Hồ sơ điều tra

Cán bộ công ty Cao su Bình Dương "xẻ thịt" đất công cho thuê trục lợi, Giám đốc không hay biết

Đời sống của công nhân Đội 14 công ty Cao su Bình Dương Binh đoàn 15 nơi vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn, không có đất canh tác. Trong khi đó, công ty Cao su Bình Dương lại xẻ đất công cho người dân tỉnh khác đến thuê với giá cao, thu tiền bỏ túi.

Bớt xén đất công cho thuê trục lợi

Những ngày giữa tháng Chín, PV báo Người Đưa Tin nhận được  phản ánh của nhiều công nhân Đội 14, công ty Cao su Bình Dương, Binh đoàn 15, xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, về việc công ty xẻ đất công cho dân bản xứ thuê canh tác, lấy tiền trục lợi.

Cụ thể, theo công nhân Đội 14, hầu hết đội ngũ công nhân đang sinh sống làm việc cho công ty tại xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông có cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn vất vả, đặc biệt trong thời điểm giá cao su trên đà tụt dốc "không phanh".

Bà M. ( công nhân Đội 14) than thở: "Cuộc sống của chúng tôi nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào cây cao su, thế nhưng giá cao su những năm qua giảm mạnh, khiến đời sống của bà con rất bấp bênh.

Khu vực biên giới khí hậu khô hanh, đất đai cằn cỗi, thậm chí thiếu đất sản xuất trầm trọng. Nhiều lúc, muốn canh tác thêm hoa màu để tăng thêm thu nhập, nhưng "bó tay" do không có đất sản xuất, ngoài làm công nhân đi cạo mủ chúng tôi không biết làm gì hơn.

Chúng tôi, những người công nhân đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu khai hoang lập nghiệp nơi biên cương khô cằn hẻo lánh. Vì lẽ đó, đáng lẽ ra lãnh đạo công ty là những người xuyên suốt gắn bó hiểu nỗi khổ của người công nhân phải tạo điều kiện tốt nhất chăm lo để đội ngũ công nhân cải thiện đời sống.

Ấy vậy mà, người công nhân "đồng cam cộng khổ" với mình không có đất để sản xuất, trong khi đó lãnh đạo công ty "xẻ thịt" hàng chục hec ta đất công cho dân tứ xứ đến thuê giá cao để trục lợi, khiến công nhân rất bất bình".

Người dân khăn gói từ tỉnh Bình Định lên Gia Lai thuê đất dựng lán trại canh tác.

Để tìm hiểu thông tin trên, PV có mặt tại xã biên giới Ia Púch, khu vực công ty Cao su Bình Dương "xẻ thịt" đất công cho thuê.

Tại khu vực này, theo ghi nhận của PV, nhiều hecta đất thuộc quản lý của công ty Cao su Bình Dương đã được cày xới cho người dân thuê.

Trên những khoảng đất trống bao la, xuất hiện nhiều lán trại được dựng lên tạm bợ của các chủ đất mới "trúng thầu" thuê đất, chuẩn bị xuống giống canh tác.

Men theo con đường nhão nhoét bùn đất sau trận mưa rừng, PV ghé thăm lán trại tạm của anh Khang (ngụ tỉnh Bình Định) lên thuê canh tác.

Anh Khang chia sẻ: "Tôi được người quen giới thiệu tại xã Ia Púch, công ty Cao su Bình Dương cho thuê đất trống để canh tác. Sau đó, tôi kết nối với bà tên Lý (thổ địa), người cầu nối trung gian của công ty Cao su Bình Dương thỏa thuận giá cả. 

Sau khi trao đổi, bàn bạc, bà Lý đưa ra giá 13 triệu/hecta, tôi thuê liền 5 hecta. Khi đàm phán xong, tôi thuê xe chở đồ đạc, vật dụng, phân bón từ Bình Định lên dựng lán trại chuẩn bị canh tác. Ngoài tôi ra, còn nhiều hộ khác từ Bình Định đang trên đường lên kịp thời canh tác vụ mùa mới".

Khu đất gần chục héc ta công ty Cao su Bình Dương cho người dân ngoại tỉnh thuê.

Làm trước báo sau

Để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Phúc Kính, Giám đốc công ty Cao su Bình Dương.

Ông Kính khẳng định: "Công ty không hề có chủ trương cho bất cứ một cá nhân nào từ tỉnh khác đến thuê đất. Việc làm này là hoàn toàn sai nguyên tắc, lãnh đạo công ty không biết".

Anh Khang, một người dân từ Bình Định lên thuê đất bức xúc vì thuê phải "đất cấm".

Sau khi kiểm tra, ông Kính thông tin lại với PV: "Tôi đã kiểm tra, quả thật thông tin đúng như PV phản ánh. Tôi đã chỉ đạo cán bộ phụ trách trong đó yêu cầu chấm dứt ngay việc này, đồng thời yêu cầu tháo gỡ ngay các lán trại mà người thuê đất đã dựng lên".

Tiếp đó, ông Kính giới thiệu PV gặp ông Hải (cán bộ công ty Cao su Bình Dương), người phụ trách Đội 14.

Trao đổi với PV, ông Hải phân trần: "Việc chúng tôi cho người dân tỉnh khác đến thuê đất là có. Phần đất cho thuê trước đó là diện tích cao su chết, kém hiệu quả đã được ủi bỏ khoảng gần chục hec ta, không có nhiều.

Giá chúng tôi đưa ra là 8 triệu/ha nhưng không trực tiếp đứng ra cho thuê và nhận tiền mà giao cho bà Lý. Bà Lý là cầu nối trung gian trực tiếp giao dịch. Bà này lại đẩy lên giá 13 triệu/ha".

Ông Hải, cán bộ phụ trách Đội 14, công ty Cao su Bình Dương, Binh đoàn 15.

Theo ông Hải, ông chủ trương làm trước báo cáo sau. "Sau này khi người dân đã canh tác vào vụ lúc đó mới báo cáo ban lãnh đạo gồm cả Giám đốc và Phó giám đốc xuống đi đo đạc cụ thể, cây đến đâu tính tiền đến đó. Những năm trước cũng vậy", ông Hải nói.

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV tại khu vực quanh lòng hồ Ia Mơ, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, có đến vài chục hec ta đất đã được cày xới cho nhiều người dân tỉnh khác đến thuê  để canh tác.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc ông Kính vừa có yêu cầu cấp dưới chấm dứt việc cho thuê này, sau khi báo Người Đưa Tin phản ánh, anh Khang bức xúc khi hay tin.

Anh Khang cho hay: "Thật sự tôi rất hoang mang, mình người thật việc thật, bỏ tiền thuê đất đổ mồ hôi xương máu, xa vợ con gia đình lên đây làm ăn chính đáng. Thế nhưng, giờ mới vỡ lẽ ra mảnh đất mà mình bỏ tiền ra thuê lại là "đất cấm".

Ban đầu, bà Lý cam đoan với tôi yên tâm làm ăn bởi đất này là của công ty Cao su Bình Dương, lãnh đạo công ty họ cho thuê chính đáng, hợp pháp. Bây giờ họ không cho làm nữa. Công tôi lên đây ở gần 1 tháng nay nằm vật vờ mưa gió, tiền công cán xe cộ từ Bình Định lên, tiền đầu tư ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho tôi?".

Về vấn đề này, ông Kính cho hay: "Vấn đề tiền người dân đã bỏ tiền thuê đất, giá bao nhiêu, đưa cho người nào, tôi sẽ yêu cầu bắt phải trả lại cho người dân".

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.