Chính sách

Cán bộ công chức là người tài chỉ cần "đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến Thủ trưởng thôi”

Đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Dương Trung Quốc đã ví von rằng "chỉ cần là người đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi” để bàn về người tài trong bộ máy công chức, cán bộ hiện nay.

Trong thời gian làm việc của Quốc hội sáng nay 24/10, đã có hàng chục đại biểu có ý kiến bàn luận về Điều 6 liên quan đến Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ của Luật này.

Còn băn khoăn định nghĩa về nhân tài

Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức định nghĩa “Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được”.

Đại biểu Lê Thanh Vân đoàn Cà Mau cảm thấy vui vì nhiều ĐBQH đều nhấn mạnh đến việc trọng dụng nhân tài. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, dù xưa và nay gọi thế nào thì người có tài năng, bản chất là một thôi.

Đại biểu Lê Thanh Vân.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng, Điều 6 chưa định nghĩa được thế nào là người tài: “Bây giờ các ĐBQH đem ra để bàn thảo, tôi cho rằng, người tài phải phân loại từng lĩnh vực cụ thể. Trong chính trị đó là người khởi xướng chính sách; trong điều hành phải tinh thông luật pháp để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh sáng kiến; trong lao động phải lành nghề; có biệt tài làm ra sản phẩm đặc thù; trong văn hóa nghệ thuật có tác phẩm để lại cho muôn đời, đấy là nhân tài”.

“Tại sao ban soạn thảo không định nghĩa khái niệm nhân tài, mà bây giờ chúng ta đang rất cần nhân tài?”, ông Vân đặt câu hỏi.

Trái với Đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đặt băn khoăn về sự cần thiết của việc định nghĩa “Thế nào là người tài”?

“Sáng giờ có rất nhiều đại biểu phát biểu về Điều 6, băn khoăn thế nào là người tài? Qua các phát biểu nhiều chiều của các đại biểu, tôi cảm thấy chột dạ thế chúng ta có cần thiết phải có một điều  khoản ghi vào "Thế nào là nhân tài hay không?”, đại biểu Sơn đặt câu hỏi

Rồi ông nêu quan điểm: “Tôi nghĩ là chúng ta không thể có một định nghĩa nào hoàn hảo cho khái niệm nhân tài. Cho nên tôi nghi ngờ về sự cần thiết phải có điều 6 trong Luật này, đề nghị các đồng chí xem lại.

Việc thứ hai cũng từ điều 6 này, có một câu hỏi đặt ra, chúng ta đưa vào điều 6 này để lựa chọn nhân tài, xong rồi chúng ta làm gì đây? Tôi không thấy đề cập trong này”.

Clip: Định nghĩa người tài làm nóng nghị trường Quốc hội

Phải biết cách dùng người

Trên hết, dù định nghĩa như thế nào, các đại biểu cũng cho rằng điều cốt lõi phải nằm ở cách dùng người, cách thu hút người giỏi vào đội ngũ Công chức Nhà nước.

ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, luật pháp là phải gắn với ngôn ngữ, phải thể hiện cách chính xác, cho nên cái câu chuyện nhân tài – tài năng phải đi đến cùng.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

“Theo quan điểm của tôi, chữ nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người. Các cụ của chúng ta có câu rất đơn giản "Dụng nhân như dụng mộc", tức là dùng đúng người đúng chỗ. Tôi cho rằng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy! Tại sao dùng người này vào việc này, người kia vào việc kia. Đấy là cách nhận thức, tôi nghĩ bộ máy công chức rất cần những yếu tố đó.

Chứ còn những cái hiểu theo nghĩa theo nhân tài là xuất chúng, là kiệt xuất, là thiên tài thì nó không nằm trong cái phạm vi của Luật này”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Từ đó, vị đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho rằng nhiều đại biểu đang “lệch hướng” trong việc bàn Luật này: “Chúng ta chỉ bàn trong phạm vi công chức thôi, công chức có năng lực. Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được cả, vì họ thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định rồi".

“Công chức có năng lực thì chỉ cần đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi. Những chuyện đó nằm trong cả quy trình”, ông Quốc ví von.

Ngay sau đó, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bày tỏ ông rất "sốc và buồn" vì quan điểm của ĐBQH Dương Trung Quốc: “Tôi nghĩ tư tưởng Hồ Chí Minh, cách dùng người của Bác vẫn còn nguyên giá trị của nó cho dù nhiều chục năm trôi qua. Đây là điều chúng ta phải làm được. Tất cả chúng ta học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Hà Nội.

Cho dù thời cuộc có thay đổi, chúng ta đã có cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi - những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong Nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”.

“Nếu dùng tiền mua được đạo đức, dùng tiền để mua khoa học thì làm sao có rất nhiều nhà khoa học từ nước ngoài bỏ vị trí lương cao về Việt Nam xây dựng đất nước? Làm sao có cán bộ khoa học, nhân tài đang ngồi nhận lương công chức, viên chức dù họ có thể nhận lương rất cao của tư nhân?”, ông Tuấn bày tỏ.

"Tôi rất mong Quốc hội nhìn nhận đánh giá lại phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc trong vấn đề này nếu không người dân sẽ hiểu sai", đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh khá gay gắt trong phần tranh luận tại nghị trường sáng 24/10.

Nhắc lại ý kiến đã phát biểu, đại biểu Dương Trung Quốc giải thích: “Tôi nghĩ cần phải học tập, vận dụng tư tưởng đời xưa vào đời nay, chứ không áp đặt giáo điều, khiên cưỡng. Điều tôi muốn nhấn mạnh là giá trị cốt lõi, tinh thần của Bác Hồ cũng là học của người xưa, là dụng nhân như dụng mộc, phải biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ và chúng ta có hệ thống giá trị để thu hút người tài”.

“Tại sao người y tá giỏi luôn đứng dưới người bác sĩ tầm thường? Tôi nghĩ, phải thay đổi lại tư tưởng. Hơn nữa, chúng ta đang bàn luật Công chức, là bộ phận quan trọng, nhưng không phải tất cả. Chúng ta vận dụng nhưng đừng giáo điều, quan trọng nhất là đừng chụp mũ”, ông Quốc nhấn mạnh.

Công Luân - Hoa Liên