Sức khỏe

Căn bệnh khiến Sulli chấm dứt cuộc đời ở tuổi 25 khó chữa khỏi hoàn toàn, nguy hiểm hơn cả ung thư

Các bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm chỉ khi đã có những biểu hiện rõ ràng, nặng nề, do đó rất khó chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Và hầu như các bệnh nhân trầm cảm đều muốn tìm đến cái chết.

Ngày 14/10, người hâm mộ bàng hoàng khi phát hiện nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc - Choi Sulli (tên thật là Choi Jin Ri) treo cổ tự tử tại nhà riêng. Hiện cảnh sát chưa tiết lộ nguyên nhân dẫn đến cái chết, tuy nhiên nhiều người cho rằng suốt thời gian dài cô đã phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm - rối loạn lo âu đáng sợ mà không tìm được sự đồng cảm, chia sẻ.

Sulli từng chia sẻ về khó khăn của mình nhưng không một ai nhận ra bệnh tình của cô.

Cách đây 1 năm, trong một chương trình truyền hình, Sulli đã từng lên tiếng "kêu cứu" về cuộc sống mệt mỏi của mình, cô kể: "Có lúc em cảm nhận có người theo dõi em, và em cảm thấy hoảng sợ. Em bị hội chứng sợ xã hội, rối loạn lo âu. Em đã bị như vậy từ rất nhỏ rồi, nhưng em không uống thuốc. Em từng cố chịu đựng nỗi đau đó mà không nói ra vì nhiều người không hiểu. Điều đó khiến em bức bối. Em phải chịu rất nhiều áp lực. Em thường cảm thấy bất an. Em làm theo mọi điều mà ai đó bảo em phải làm. Nhưng có thời điểm em nhận ra và bắt đầu băn khoăn bản thân mình đang làm cái gì vậy, vì sao phải làm thế cơ chứ?".

Mặc dù những lời chia sẻ của Sulli cách đây từ hơn 1 năm trước, nhưng thời điểm đó vẫn chưa có ai biết về bệnh tình của nữ ca sĩ cho đến khi cô kết thúc cuộc đời mình sau khi treo cổ tại nhà riêng.

Ngoài Sulli, Jonghyun - thành viên nhóm SHINee được tìm thấy bất tỉnh ở nhà riêng, dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. Nam ca sĩ 27 tuổi cũng là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm, bắt nguồn từ những áp lực dư luận. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Jonghyun nói anh bế tắc trong sự nghiệp nhưng lại không thể chia sẻ những nỗi đau với ai.

"Tôi từng mong mỏi mọi người quan tâm đến mình nhiều hơn, nhưng những gì tôi nhận lại đều vô vọng" - Jonghyun viết.

Không riêng gì showbiz Hàn, showbiz Hoa ngữ cũng từng chấn động khi Kiều Nhậm Lương qua đời. Tài tử Hóa ra anh vẫn ở đây chống chọi với căn bệnh trầm cảm suốt 3 năm, chịu áp lực nặng nề vì những tin đồn quanh cuộc sống riêng tư.

Căn bệnh trầm cảm mà Sulli mắc nguy hiểm thế nào?

PGS, TS Tô Thanh Phương – nguyên Phó Giám đốc, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết hiện nay bệnh trầm cảm phổ biến ở dân cư. Theo thống kê của thế giới, có tới 20% dân số bị trầm cảm trong đó có 5% số người bị trầm cảm thể nặng hoang tưởng, ảo thanh xui khiến, lo âu, buồn bực và có xu hướng tìm đến cái chết, theo Infonet.

Hầu như các bệnh nhân trầm cảm đều muốn tìm đến cái chết. TS Phương nhấn mạnh không có đau đớn nào bằng đau đớn của bệnh trầm cảm. Người bị ung thư họ đau nhưng cố gắng để sống còn người bị trầm cảm chỉ muốn tìm đến cái chết.

TS Phương cho biết hầu như các bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm chỉ khi đã có những biểu hiện rõ ràng, nặng nề, do đó rất khó chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Sulli từng có những biểu hiện mắc chứng trầm cảm trong thời gian dài.

Có nhiều bệnh nhân mất ngủ trắng đêm 5 năm, 8 năm, thậm chí 12 năm nhưng do không xác định được căn nguyên tình trạng mất ngủ là do trầm cảm, nên thường được chỉ định dùng các loại thuốc an thần, hoàn toàn không mang lại hiệu quả trong điều trị.

Theo vị bác sĩ, trầm cảm được chia làm 3 loại, gồm: Nội sinh, tâm căn và triệu chứng.

Nội sinh là tự bản thân người bệnh có bệnh, không phải do tác động bên ngoài. Tâm căn là do tác động của gia đình, xã hội, công việc… Cuối cùng là triệu chứng, khi người bệnh quá lo lắng, chán nản vì mắc bệnh nan y, bệnh lâu năm khó chữa..., sẽ dễ sinh bệnh trầm cảm.

Việc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm cần dựa vào 3 nguyên nhân trên để đưa ra phác đồ phù hợp.

Triệu chứng của căn bệnh trầm cảm

Theo VnExpress, trầm cảm là bệnh lý có diễn biến phức tạp, ban đầu có thể là cảm xúc buồn bã, mệt mỏi trong cơ thể, dần dần tiến đến tâm trạng trống rỗng, tuyệt vọng, thay đổi khẩu vị, thất vọng về bản thân, dễ kích động, cáu gắt, vui buồn bất chợt, muốn giã từ cuộc sống...

Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm có thể là cú sốc tinh thần, sang chấn tâm lý, áp lực công việc học hành, gãy đổ sự nghiệp, đối diện với những khó khăn quá lớn, bất hòa kéo dài, phụ nữ sau sinh...hoặc có thể là hậu quả của tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài. Người bệnh thường có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như: khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, gặp ác mộng, thức dậy sớm hoặc muộn, mệt mỏi, uể oải, chán nản hoặc cáu gắt, vui buồn bất chợt …

Phong Linh (tổng hợp)