Đời sống

Campuchia kêu gọi người dân đừng hái cây hoa giống "bộ phận nhạy cảm"

Campuchia mới đây kêu gọi người dân ngừng hái một loài thực vật quý hiếm thuộc chi nắp ấm với bộ phận có hình dáng nhạy cảm.

Bộ Môi trường Campuchia đã chia sẻ hình ảnh trên Facebook về ba người phụ nữ trẻ giật lấy cây nắp ấm với bộ phận nhìn giống “của quý” của nam giới để chụp ảnh tạo dáng. Các quan chức bộ này yêu cầu mọi người “hãy để những cây quý hiếm này được yên”, báo Khmer Times của Campuchia đưa tin.

Đoạn video ghi lại cảnh 3 người phụ nữ hái cây hoa với bộ phận nhìn giống “của quý” của nam giới.

“Điều họ đang làm là sai trái và làm ơn đừng làm như vậy nữa. Cảm ơn các bạn vì đã yêu tài nguyên thiên nhiên, nhưng đừng hái để nó lãng phí”, trang LiveScience trích đăng lời kêu gọi.

Một số trang đưa tin đây là loài Nepenthes holdenii, nhưng thực ra nó là một loài họ hàng và có tên là Nepenthes bokorensis, theo nhiếp ảnh gia sinh vật hoang dã người Anh Jeremy Holden. Ông Jeremy Holden chính là người đầu tiên phát hiện ra loài Nepenthes holdenii nên tên của ông được lấy đặt cho cây.

Nepenthes holdenii và Nepenthes bokorensis nhìn khá giống nhau và cùng xuất hiện tại các dãy núi nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên N. holdenii hiếm hơn và chỉ vài nhà nghiên cứu biết nơi chúng mọc.

“Loài cây của tôi (Nepenthes holdenii) mọc ở vài nơi bí mật ở dãy núi Cardamom phía tây nam Campuchia. Bokorensis xuất hiện ở nơi dễ tiếp cận hơn ở Phnom Boko và phát triển mạnh trong vài năm gần đây”, ông Holden cho hay.

Đây không phải là lần đầu cơ quan chức năng Campuchia cảnh báo về việc không nên gây hại đối với những loài thực vật quý hiếm này. Giới chức Bộ Môi trường Campuchia từng kêu gọi người dân bảo tồn 2 loài thực vật trên vào tháng 7/2021 để chúng không bị tuyệt chủng.

Loài cây này tồn tại trong đất ít dinh dưỡng bằng cách bổ sung vào chế độ ăn uống của chúng côn trùng sống, sử dụng mật hoa và mùi hương ngọt ngào như một viên kẹo để thu hút con mồi. Côn trùng ăn mật hoa xung quanh miệng của hoa và khi rơi vào bên trong, chúng sẽ bị dịch tiêu hóa của cây bủa vây.

Môi trường sống của loài thực vật ăn côn trùng này ở Campuchia đã thu hẹp dần do phát triển nông nghiệp trên đất tư nhân và ngành du lịch phát triển đến những khu vực được bảo vệ.

Giới chuyên môn kêu gọi người dân có thể chụp ảnh với chúng nhưng không nên hái, nhất là phần giống “của quý” vì đây là bộ phận giúp chúng có chất dinh dưỡng để sinh tồn.

Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Tiền Phong)