Giáo dục

Cấm sinh viên mặc áo không cổ: "Các em không mặc phản cảm, hở hang là được"

Trước những quy định học đường về yêu cầu trang phục đối với sinh viên của trường đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) gây xôn xao thời gian vừa qua, giảng viên các trường đại học ở Hà Nội cũng đã có những quan điểm riêng về vấn đề này.

Cụ thể trong quy định của trường đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) đưa ra, nam sinh viên hoặc nữ sinh viên mặc áo sơmi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, quần tây hoặc quần jean lịch sử, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép quai hậu.

Trường còn quy định sinh viên không mặc các trang phục không phù hợp với môi trường giáo dục, gây phản cảm. Tóc không nhuộm nhiều màu sắc quá nổi bật hoặc cắt theo kiểu không bình thường, không cạo trọc (trừ sinh viên là tu sĩ hoặc có bệnh về tóc).

Trước những quy định nêu trên, GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường đại học Lâm nghiệp bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định của trường đại học Tài chính - Marketing: “Văn hóa ở các trường đại học ở Việt Nam cũng nên hiện đại theo cách của các trường trên thế giới, tuy nhiên vẫn phải giữ vững thuần phong mỹ tục của nước nhà. Nên để sinh viên được thể hiện đúng phong cách của các em, chỉ cần các em sinh viên ăn mặc không quá phản cảm hay hở hang là được”.

Theo đó, thầy Chứ khẳng định: “Việc không cho sinh viên mặc áo không cổ là bất hợp lý. Sinh viên cần phải năng động, nếu gò bó sinh viên trong những loại áo sơ mi hay quần tây thì điều đấy là không nên. Còn khi đi học các môn học yêu cầu đồng phục như Quốc phòng hay Giáo dục thể chất thì sinh viên bắt buộc phải tuân theo.”.

GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường đại học Lâm nghiệp.

Đối với sinh viên khi đã vào đại học thì ý thức cần phải được nâng cao, diện mạo của một sinh viên sẽ ảnh hưởng đến diện mạo của ngôi trường mà sinh viên đó theo học. “Vào môi trường Đại học thì sinh viên cần tự ý thức việc ăn mặc trang trọng, không lố lăng. Các màu tóc như xanh, đỏ không hề phù hợp với diện mạo của một sinh viên Đại học. Quy định đưa ra chính là cách giúp sinh viên tự rèn luyện ý thức bản thân để thích nghi với quy định ở các công ty, doanh nghiệp sau này”, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Thêm vào đó, thầy Tớp nhấn mạnh: “Nếu sinh viên mặc áo ba lỗ hay quần đùi, dép lê thì chắc chắn tôi sẽ không cho các em vào lớp học. Việc đưa văn hóa trang phục chợ búa vào một ngôi trường Đại học là không được phép”.

Không có một luật lệ chung nào quy định trang phục đối với sinh viên Đại học. Việc các trường tự tạo riêng một nội quy hay quy định thì không cấm. Tuy nhiên, những quy định đó phải có mức độ phù hợp mà tất cả sinh viên và giáo viên có thể chấp nhận được. Sinh viên nên tự có ý thức về tác phong khi vào môi trường học tập và rèn luyện.

Lý giải về việc quy định khi đưa ra bị sinh viên phản ứng gay gắt, Th.s Nguyễn Thị Thu Hà (Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng sinh viên là những người trẻ đã trưởng thành, tâm lý chung vừa thoát ra khỏi những quy định đồng phục nghiêm ngặt ở trường THPT, do vậy muốn được tự do hơn khi bước vào môi trường đại học.

“Các bạn sinh viên hiện nay có suy nghĩ rất thoáng trong phong cách ăn mặc. Các bạn dường như cá tính hơn, năng động hơn và hội nhập cũng tốt hơn. Nếu đặt ra sự gò bó về một khuôn mẫu cụ thể thì chỉ một nhóm đối tượng nhỏ tuân theo mà thôi. Áo phông, quần bò, giày thể thao là những trang phục nằm trong danh sách tốp đầu về lựa chọn của sinh viên khi đến trường. Áo sơ mi thì ít được các bạn diện hơn”, Cô Hà chia sẻ.

Nhà trường không gò bó khuôn khổ về mặt hình thức để sinh viên phát huy bản thân và thoải mái nhất khi theo học, nhưng với những ngành nghề đặc trưng thì sinh viên nên chấp hành để rèn tính chuyên nghiệp.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Nhàn (Trưởng khoa Quản trị Nhân lực - trường đại học Thương mại) quan niệm: “Chỉ cần khoác lên mình bộ trang phục lịch sự thì tôi tin rằng sinh viên khi bước vào giảng đường thì sẽ chẳng có ai đánh giá em sinh viên đấy về cách ăn mặc. Điều này sẽ tạo tác phong chuyên nghiệp cho sinh viên khi đứng trước các nhà tuyển dụng, cũng như khi bước vào môi trường làm việc chính thức. Còn về mặt lịch sự như thế nào thì tôi nghĩ là sinh viên đã tự nhận thức được về vấn đề này”.

Huyền - Viên