Tâm sự

Cảm ơn những chuyến đi

5 năm làm việc tại tạp chí Đời sống & Pháp luật, không thể nhớ bao chuyến đi đã qua, bao cung đường in dấu chân mình. Chỉ biết: Tôi hàm ơn những chuyến đi ấy.

Trở lại Hà Giang những ngày cuối năm 2020, tôi mang trong mình cảm giác phấn chấn, háo hức như thể được trở về quê nhà. Những email qua lại của một phụ huynh chưa một lần gặp mặt nhưng tha thiết “có rất nhiều điều tuyệt vời chờ đón bọn em”. Những hũ rượu ngô, những bầu chè shan tuyết... đã được chuẩn bị sẵn sàng từ những người mà tôi mới thoáng gặp, thậm chí còn chưa nhớ nổi hết tên ở Hà Giang. Họ là những người, như bao người dân trên cả nước, vui mừng khôn xiết khi những sai phạm trắng trợn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở Hà Giang cùng một số địa phương đã được báo chí cùng lực lượng chức năng phanh phui.

Tấm chân tình của người dân sau các bài viết lên án cái xấu, bảo vệ lẽ phải như thế này thực không xa lạ với người làm báo. Có điều, ở Hà Giang, càng thấy niềm vui trong ánh mắt tin yêu của người dân khi sai phạm tày trời được đưa ra ánh sáng càng thấy lòng chùng lại, trở trăn trước sự tàn nhẫn của những người mang trọng trách ươm mầm tương lai.

Nhớ đêm nhận được tin đoàn công tác của bộ GD&ĐT sẽ thanh tra công tác chấm thi tại Hà Giang, sau khi báo chí đăng tải những “bất thường” trong điểm thi của địa phương này, tôi đã nói rất nhiều với anh bạn của mình đang công tác tại bộ GD&ĐT. Tôi nói rằng, hy vọng những “bất thường” kia là bình thường, sẽ không có một gian lận nào cả ở địa phương này.

Trong suốt chuyến xe gập ghềnh vội vã ngược lên nơi xảy ra sự việc, tôi gọi điện khắp nơi để tìm hiểu thông tin sự việc, lục tung các mối quan hệ để xác thực thông tin, nhắn tin, chất vấn người quen cả đêm.... Những người có trách nhiệm ở địa phương này khẳng định họ - không - sai, nhưng những bất thường thời điểm đó có vẻ đang chống lại họ.

Cuộc họp báo về gian lận thi cử tại Hà Giang. 

Tất nhiên, mục tiêu đi tới tận cùng sự việc không cho phép tôi và các đồng nghiệp cùng lực lượng chức năng dừng lại vì bất cứ lý do gì. Bằng những bài viết, những cuộc chất vấn, săn lùng và nhiều biện pháp nghiệp vụ khác, cuộc họp báo thông tin chính thức về sự việc mong chờ được mở ra. Và có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục, một ông Cục trưởng phải trả lời phóng viên vào lúc 1h sáng, sau một ngày dài thanh tra.

Dẫu cho thông tin khi này không đủ đầy nhưng đây cũng là thắng lợi đầu tiên bởi đó chính là cơ sở để chúng tôi có được những bài viết sâu, phản ánh tâm tư, nỗi niềm của rất nhiều người dân Hà Giang.

Sự việc đã qua nhiều năm, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện nếu vụ án này năm xưa không được phơi bày, rất nhiều những học sinh trình độ không đỗ nổi tốt nghiệp điềm nhiên bước vào trường Y và rồi cơ may nào đó lại khiến chúng trở thành người chữa bệnh cho xã hội mà tôi vẫn không khỏi rùng mình. Tội ác chồng tội ác. Đau thương chồng đau thương, biết kể sao cho xiết.        

Trong tất cả các ngành, giáo dục có lẽ là ngành đòi hỏi tối đa sự tử tế là bởi thế. Đó có lẽ cũng là lý do, một cách vô thức, những phóng viên theo mảng giáo dục như tôi hay rơi vào 2 khuynh hướng đối lập hoàn toàn khi tác nghiệp: Cúi đầu và ngợi ca hết sức cho những điều đẹp đẽ nhưng trước điều bất bình, sẵn sàng bùng nổ, đấu tranh đến cùng cho lẽ phải.  

Nghịch cảnh luôn là bậc thầy vĩ đại khơi dậy sức mạnh nội tại. Với người làm báo, sức mạnh có lẽ chỉ phát huy tối đa khi đứng trước mục tiêu bảo vệ lẽ phải, đứng về phía kẻ yếu thế.

Không chỉ ở Hà Giang, những chuyến tác nghiệp trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La hay rất nhiều những chuyến công tác khác, chỉ sau khi hoàn thành công việc, ngồi thảnh thơi nhìn lại đôi khi tôi mới giật mình trước những thử thách mình đã đi qua.

Với lữ khách, chuyến đi đôi khi chỉ là sự cảm nghiệm còn với người làm báo, những chuyến công tác thực sự là “lò trui rèn”. Nhờ nó, tầm nhìn được rộng mở hơn. Nhờ nó, năng lượng tích cực và sự nhạy cảm được đẩy đến mức cao trào. Mỗi vùng đất đi qua, mỗi con người, mỗi hoàn cảnh nhân vật được tiếp xúc… không chỉ làm dày thêm bản lĩnh sống mà còn đưa đến cho người làm báo khao khát làm đẹp cho xã hội, cộng đồng.  

Bước chân vào nghề khi vừa rời giảng đường đại học với cơ may được thử sức ở tạp chí Đời sống và Pháp luật, cái nôi ươm mầm cho những khát khao, tôi không thể nhớ bao chuyến đi đã qua, bao cung đường in dấu chân mình. Duy chỉ có một điều rõ ràng: Tôi hàm ơn những chuyến đi ấy.

Nếu những chuyến đi biên giới cho tôi sự thấu hiểu sâu sắc về những vất vả, hy sinh to lớn của các chiến sĩ bộ đội đang ngày đêm canh gác cho đất nước yên bình thì những lần đến với các ngôi trường ở vùng cao, thực đây là ngọn lửa khơi gợi cảm hứng sống, cống hiến mạnh mẽ cho cộng đồng. Nhìn những em nhỏ vùng sâu, vùng xa của đất nước, dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng học giỏi. Nhìn các thầy cô giáo sẵn sàng bỏ cơ hội làm việc tại đô thành hay miền xuôi để xung phong lên miền núi cắm bản chỉ với mong muốn mang con chữ đến với học trò..., niềm tin về một sức sống, về lòng nhân ái trong tôi lại rực cháy. 

Mỗi chuyến đi là mỗi lần trăn trở. Và từ trăn trở, niềm vui được ươm mầm. Qua những bài viết, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật với góc khuất tâm hồn riêng thực sự truyền cho độc giả thêm yêu thương, thêm sự trân quý con người và cuộc đời. Với độc giả, đó là món quà tâm hồn. Còn với người làm báo, đó là "mỏ vàng" của những rung động – điều cốt yếu để làm nên những tác phẩm truyền cảm hứng tích cực đến mọi người.

Những chuyến đi đã cho tôi và các anh chị em trong ngôi nhà Đời sống & Pháp luật một thanh xuân rực rỡ. Tuổi thanh xuân ấy có cả thành công lẫn thất bại, có cả thuận lợi lẫn khó khăn, có hạnh phúc và cả những giọt nước mắt… Thanh xuân ấy của chúng tôi hẳn nhiên sẽ tiếp tục tỏa rạng và rực rỡ theo ngọn lửa đam mê luôn bùng cháy trên mỗi cung đường trong hành trình tiến về phía trước.

Công Luân