Sự kiện

Cấm nhà thầu “cá biệt” thi công ẩu tham gia đấu thầu dự án

Lãnh đạo tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cá biệt có những đơn vị còn để xảy ra tình trạng quản lý tuyến đường lỏng lẻo dẫn đến chất lượng mặt đường xấu, xuất hiện mặt đường vỡ, ổ gà, sình lún nhưng không được sửa chữa.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các cục Quản lý đường bộ, sở GTVT nhận ủy thác quốc lộ về chấn chỉnh và tăng cường về quản lý chất lượng bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ, đường cao tốc. Đồng thời, yêu cầu chấm dứt hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, thay nhà thầu khác, cấm nhà thầu vi phạm trong công tác này tham gia đấu thầu.

Theo lãnh đạo tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua các đơn vị quản lý nhà nước, nhà thầu đã có cố gắng thực hiện nhiệm vụ, nhiều nhà thầu có ý thức trách nhiệm, có năng lực và kinh nghiệm, tích cực đầu tư máy móc thiết bị, tuyển dụng nhân lực có tay nghề và ứng dụng các phần mềm để thực hiện tốt các hợp đồng quản lý và bảo dưỡng thường xuyên.

QL1 đoạn qua Phú Yên bị hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến đường chất lượng quản lý, bảo dưỡng thường xuyên chưa đạt yêu cầu, nhà thầu chưa làm đúng hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Một số cục, chi cục quản lý đường bộ, sở GTVT chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, còn dễ dãi trong việc nghiệm thu đánh giá chất lượng thực hiện.

Đáng chú ý, cá biệt có những đơn vị còn để xảy ra tình trạng quản lý tuyến đường lỏng lẻo dẫn đến chất lượng mặt đường xấu, xuất hiện mặt đường vỡ, ổ gà, sình lún nhưng không được sửa chữa.

Bên cạnh đó, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành lang đường bộ như: lấn chiếm, san lấp mặt bằng và đấu nối chưa được quản lý chặt chẽ, các cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ chưa thể hiện hết trách nhiệm, các nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ làm ngơ trước các vi phạm, chậm phát hiện để báo cáo cơ quan quản lý đường bộ xử lý đối với các vi phạm; chưa quyết liệt ngăn chặn các vi phạm đất và hành lang đường bộ.

Lãnh đạo tổng cục Đường bộ yêu cầu, các cục quản lý đường bộ, sở GTVT phải chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý nhà thầu để vi phạm chất lượng bảo dưỡng thường xuyên. Kiên quyết xử lý vi phạm của nhà thầu quản lý bảo dưỡng.

Thực hiện nghiêm việc nghiệm thu đánh giá chất lượng công tác tuần đường, công tác quản lý bảo vệ hành lang đường bộ. Hạ điểm, giảm trừ giá trị hợp đồng nếu nhà thầu thực hiện không đúng, không đầy đủ. Đề xuất chấm dứt hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, thay nhà thầu khác, cấm nhà thầu vi phạm tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, các đơn vị phải thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT, bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa theo chỉ đạo tại Công điện số 1793/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 61//2018 của bộ GTVT về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019.

Thế Anh