Bình tĩnh sống

Cảm giác khó quên khi chứng kiến bác sĩ giành giật sự sống cho F0

Nhìn thấy đội ngũ y bác sĩ cố gắng “giành giật sự sống” cho bệnh nhân F0, đối với chàng trai 10X Quang Trường có lẽ là giây phút khiến cậu sốc và khó quên nhất.

Tham gia tình nguyện vì muốn trả ơn bác sĩ đã cứu mẹ

Sau một ngày dài hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, giúp đỡ các bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) Trần Lê Quang Trường (SN 2000) cùng em trai ruột là Trần Lê Quang Sơn (SN 2002) dành cho mình chút không gian riêng.

Dù trải qua thời gian dài làm việc hỗ trợ các bệnh nhân F0, nhưng chàng trai này không hề cảm thấy mệt mỏi mà ngược lại còn có rất nhiều năng lượng tích cực.

22h đêm, cởi bỏ khẩu trang và bộ đồ bảo hộ kín mít, Trần Lê Quang Trường dành chút thời gian nghỉ ngơi để trò chuyện với Người Đưa Tin về công việc của một tình nguyện viên.

Nói về lý do mà cậu tham gia tình nguyện, Quang Trường cho biết đó chính là cậu mang ơn bác sĩ đã cứu sống mẹ và bà ngoại của mình, đồng thời muốn góp một chút sức lực nhỏ bé vào công tác phòng, chống dịch.

Nhớ về những ngày mà Quang Trường tạm gọi là “đen tối” đã qua, chàng trai 10X này cho biết, cả gia đình cậu có 6 người thì cả 6 người đều mắc Covid-19 bao gồm: Ba, mẹ, bà ngoại, hai anh em Trường và anh họ đang sống cùng nhà.

“Khi dịch bùng phát lần thứ 4 thì ba tôi cũng làm việc “3 tại chỗ” ở công ty, ba phải tiếp xúc với nhiều người nên tháng 7 ba bị nhiễm bệnh, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị. Mẹ tôi làm việc ở Hội phụ nữ phường Vĩnh Lộc A, đầu tháng 8 mẹ bị nhiễm bệnh khi đi hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương. Mẹ lây bệnh cho tôi, em trai và người anh họ đang sống chung cùng nhà, rồi bà ngoại cũng mắc bệnh”, Quang Trường nhớ lại thời điểm cả gia đình mắc Covid-19.

Sau khi ba của Trường xuất viện thì 5 người trong gia đình Trường cũng phải vào Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị. Quang Trường không có triệu chứng, chỉ hơi mất vị giác và sau khi điều trị vài ngày thì có kết quả âm tính. Thế nhưng lúc này, tình trạng sức khoẻ của mẹ sốt li bì và bà ngoại có bệnh nền, cao huyết áp, tiểu đường nên diễn tiến nặng khiến cả gia đình lo lắng.

“Khi mẹ, bà ngoại vào Bệnh viện dã chiến số 4 và trở nặng, tôi nhìn thấy các bác sĩ vất vả cứu chữa chăm sóc hết mình cho người thân của tôi, giúp cho mẹ và bà ngoại vượt qua được “cửa tử”. Hiện, mẹ và bà ngoại cũng đã khỏi bệnh. Vì quá cảm phục trước những gì mà các bác sĩ đã làm, nên tôi và em trai đã tình nguyện xin ở lại giúp các F0 khác, tôi cố gắng hết mình để hỗ trợ các y bác sĩ đã cứu mẹ và bà ngoại”, Quang Trường bộc bạch về lý do thôi thúc cậu và em trai làm tình nguyện viên.

Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc

Trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin, Quang Trường nói rằng cậu làm tình nguyện viên chăm sóc F0 từ 20/8 đến nay cũng đã hơn một tháng. Đây là quãng thời gian mà Trường được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất, có lẽ đây sẽ là ký ức mà cậu cũng như em trai sẽ không thể nào quên được.

Là tình nguyện viên chăm sóc F0 nên Trường và các tình nguyện viên khác được các y bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi tình trạng của người bệnh.

“Công việc hàng ngày của tôi trong Bệnh viện dã chiến số 4 là hậu cần, chăm sóc F0, đo SpO2, đo nhịp tim, đo đường huyết, đo huyết áp… theo dõi các tình trạng sức khoẻ của người bệnh rồi báo cho bác sĩ, thay oxy, ngoài ra động viên tinh thần cho các cô chú lớn tuổi là F0…”, Trường chia sẻ việc làm hàng ngày của tình nguyện viên.

Kể về những câu chuyện mà bản thân mình được trực tiếp chứng kiến, Trường bảo chuyện vui buồn đều có cả. Nhưng, chàng trai 10X này đặc biệt nhớ và cảm thấy buồn và sốc khi tận mắt thấy các y bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân F0.

“Đó là một người đàn ông gần 60 tuổi, buổi chiều hôm đó ông còn khoẻ mạnh, khi thay oxy tôi có dặn vợ của ông là cho ông nằm sấp, tập thở đều hạn chế di chuyển…Hết ca, trở về phòng, thì đến 21h tôi nhận được điện thoại của người vợ là ông trở nặng. Tôi mặc đồ và nhanh chóng chạy qua phòng người bệnh. Khi đó, tôi nhìn thấy bác sĩ đang thực hiện thao tác cấp cứu, tôi đứng ở ngoài hỗ trợ vỗ lưng và kéo oxy cho người bệnh. Khi đó, người ông co giật, khi oxy đều trở lại thì ông được chuyển sang khu Hồi sức cấp cứu”, Trường kể lại.

“Qua vài ngay sau, tôi có hỏi thăm tình hình của ông qua người vợ thì được biết ông đã mất. Chồng mất nên vợ cũng sốc, buồn. Đó là lần đầu tiên sau 5 ngày tham gia tình nguyện tôi được chứng kiến các bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân như thế nào, tôi thực sự sốc”, chàng trai 10X bộc bạch.

Hay mới đây nhất, Trường cùng các tình nguyện viên được chăm sóc 2 em bé F0 mà Trường gọi là “khách VIP”. Đây là hai em nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi và đã được các tình nguyện viên chăm sóc.

“Việc chăm em nhỏ thì không ai có kinh nghiệm, tôi phải hỏi thêm các chị có kinh nghiệm hướng dẫn pha sữa, thay tã ra như thế nào… Tôi trông giúp hai chị phụ trách chăm trực tiếp. Cũng may là sau vài lần tôi biết cách thay tã, pha sữa, biết lúc bé khóc là bé đòi ăn, đòi ngủ… Đây là những trải nghiệm mà tôi không thể nào quên”, Trường chia sẻ thêm về những câu chuyện tại Bệnh viện dã chiến số 4.

Với Trường, cứ mỗi một bệnh nhân ra viện, họ gọi điện hỏi thăm động viên sức khoẻ cũng như của các tình nguyện viên khác thì Trường cảm thấy công việc mình đang làm thêm nhiều ý nghĩa.

Khi được hỏi công việc của hai anh em có được gia đình ủng hộ? Trường bảo ban đầu mẹ là người phản đối vì lo cho sức khoẻ của hai con. Nhưng, sau khi nghe Trường chia sẻ bà đã thay đổi suy nghĩ, ủng hộ việc mà hai con đang làm, thậm chí còn rất tự hào về các con...

“Nhiều người bạn cũng hay nhắn tin hỏi tôi là “có sợ không?”, “có nguy hiểm không?”, thì tôi trả lời thẳng thắn là “không”, tôi không muốn dừng công việc mà tôi đang làm. Bởi vì, khi chứng kiến sự nỗ lực của bác sĩ gấp nhiều lần để giành giật sự sống cho bệnh nhân thì sự hỗ trợ của tôi quá nhỏ bé. Tôi chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua đi để được trở về ăn cơm mẹ nấu”, Quang Trường bộc bạch về kế hoạch làm tình nguyện viên hỗ trợ F0 của mình.