Giáo dục

Cấm dùng mạng xã hội nói xấu môi trường giáo dục: Bộ GD&ĐT tạo “ốc đảo”?

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định “không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” trong Thông tư số 06/2019 của bộ GD&ĐT đã được luật hóa trong luật An ninh mạng, gây hiện tượng chồng chéo, không cần thiết.

Cụ thể, Thông tư số 06/2019 của bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 28/5, đưa ra quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử của các chủ thể trong các nhà trường. Trong đó, gây tranh cãi chính là nội dung Điều 4, quy định: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”.

Nhiều người cho rằng việc bộ GD&ĐT quy định như trên là xâm phạm quyền bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân, là cách làm “không quản được thì cấm”.

Quy định “không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” trong Thông tư số 06/2019 của bộ GD&ĐT đang gây xôn xao dư luận.

Chồng chéo với luật An ninh mạng

Liên quan đến vấn đề trên, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, quy định này trong Thông tư 06 cũng bị chồng chéo với luật An ninh mạng, bộ GD&ĐT cần xem xét lại, bởi vì đưa ra quy định như vậy chỉ thể hiện một điều, đó là Bộ chưa chú trọng cung cấp và rèn luyện kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Bà phân tích: “Một khi luật đã có thì không nhất thiết phải sinh ra quy định mới, mà điều quan trọng là phải xây dựng được ý thức tuân thủ và chấp hành luật đến đâu. Bởi vì, cho dù có hàng nghìn điều luật mà không có ý thức thực hiện thì cũng bằng không, mà chỉ cần một điều luật nhưng có ý thức tuân thủ thì xã hội cũng yên.

Vì vậy, việc đưa ra một quy định mới đối với ở riêng trong ngành, chỉ khiến cho việc thực hiện thêm khó khăn. Bởi vì, ví dụ, khi những người giáo viên không đề cập đến vấn đề trong ngành giáo dục, họ phát tán các thông tin tiêu cực, các vấn đề liên quan đến ngành khác thì sao… Vậy, quan trọng nhất vẫn là phải phổ biến luật và để dân tuân thủ chính xác luật đã có, không phải là viết ra hàng nghìn điều luật nhưng chẳng có ai thực hiện”.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Thu Hương cũng khẳng định: “Cũng cần phân định rõ, như thế nào là gây ảnh hưởng xấu, nếu nói như bộ GD&ĐT sẽ có hai cách hiểu: một là, cứ nhắc đến chuyện gì khiến người ta nghĩ xấu về ngành thì không được nói; hai là, chỉ nhắc lại chính xác những nội dung, hiện tượng xấu đã xảy ra, không “thêm thắt” gì, thì hoàn toàn được phép. Tức là không được vu khống, còn nếu những tiêu cực trong môi trường học đường là sự thật thì không phải là gây ảnh hưởng xấu đến trường mà chỉ là góp phần phản ánh sự thật.

Vì vậy, đặt câu hỏi: “Tại sao phải có thêm quy định riêng như vậy cho ngành giáo dục? Phải chăng bộ GD&ĐT đang muốn tạo riêng một “ốc đảo” cho các hoạt động của mình nằm trong xã hội Việt Nam?”.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, bộ GD&ĐT tiếp tục đưa thêm nhiều quy định riêng chồng chéo sẽ khiến tạo nên một "ốc đảo" biệt lập với xã hội.

Những người giáo viên phải làm gì, được phép làm gì, không được phép làm gì, nếu quá nhiều luật thì đặt ra trường hợp những quy định riêng này đối nghịch với những nội dung của pháp luật hiện hành, thì giáo viên phải theo quy định nào, hoặc những kẽ hở ở giữa hai bên thì làm thế nào… Như tôi vừa ví dụ, không nói xấu ngành giáo dục vậy các ngành khác chúng tôi có được nói xấu hay không?”

“Vậy tốt nhất, hãy dẹp tất cả những quy định không cần thiết này đi, một khi đã có luật An ninh mạng rồi, hãy tập trung vào việc tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của toàn dân, chứ không phải tạo thêm các quy định để khiến ngành giáo dục thành một “ốc đảo” trong đất nước Việt Nam”.

Bộ GD&ĐT đang làm phức tạp thêm cuộc sống của đội ngũ giáo viên, quá nhiều quy định chồng chéo sẽ chỉ khiến cuộc sống của giáo viên thêm “ngột ngạt”. Những quy định về gian lận thi cử chưa xuất hiện trong luật thì Bộ đưa ra là đúng, nhưng về những quy định sử dụng mạng xã hội, luật An ninh mạng đã có rồi thì còn cần phải đưa ra làm gì nữa…”, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh.

Nội dung “chữa cháy”, giải quyết phần ngọn vấn đề

Trao đổi về nội dung trên, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: “Đọc Thông tư, tôi nhận thấy một sự không chặt chẽ trong câu từ, tương đối chung chung. Cụ thể, không phát tán thông tin vậy là những thông tin như thế nào thì không được phát tán, hoặc có ý kiến phản biện, liệu đó có phải là xấu hay tốt?

Có thể lấy ví dụ, thực trạng bạo lực học đường, học sinh nào đó đánh nhau, học sinh nào phát hiện ra được mà lên tiếng trên mạng xã hội là đúng, chứ đâu có sai mà cấm? Hoặc khi học sinh thấy hiện tượng thầy cô nào đó vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành xử không đúng mực dưới góc độ của người thầy đối với trò, mà lên tiếng trên mạng xã hội thì có cấm không?

Vậy, Thông tư chung chung, không thuyết phục, không cụ thể, khi bắt lỗi sẽ gây tranh cãi và rất khó xử lý, không thể đi đến hồi kết, ai là người xử lý? Bên cạnh đó, phải rà soát lại, nội dung Thông tư đó có bị chồng chéo với những bộ luật khác không, như luật An ninh mạng, nhân quyền,…”.

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng bộ GD&ĐT đang lúng túng và bế tắc, sử dụng quy định này trong Thông tư không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Theo đó, thầy Hiếu nhận định: “Tôi cho rằng, nội dung của Thông tư này đang thể hiện sự lúng túng, sự bế tắc, thậm chí bất lực của bộ GD&ĐT, trước nhiều vụ việc của học sinh hiện nay, ví dụ bạo lực học đường, hoặc một tiêu cực nào đó về giáo dục trong và ngoài trường. Thông tư đưa ra nội dung như một sự “chữa cháy”, còn gốc rễ của vấn đề lại nằm ở chỗ khác, hoàn toàn không thể lấy những quy định trong Thông tư này để giải quyết hết những trường hợp học sinh vi phạm, Bộ đang chỉ giải quyết được phần ngọn.

Điều quan trọng hơn nữa là khi đưa ra quy định gì phải có sự chặt chẽ, tránh gây kẽ hở, nguy cơ gây tranh cãi để xử lý khi vi phạm”.

Bộ GD&ĐT đã rất cân nhắc

Trước những ý kiến trái chiều, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã lên tiếng để làm rõ hơn về quy định này: Bộ GD&ĐT đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan, đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh. Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội.

Đại diện bộ GD&ĐT cho rằng, môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí, thì cũng muốn định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực.

Bà cũng thông tin thêm, Thông tư 06 chỉ là quy định khung, từ đó, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các bộ quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở, phù hợp với văn hóa, vùng miền.