Góc nhìn luật gia

Cấm đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài làm nghề massage: "Vô lý, không có căn cứ rõ ràng"

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, dự thảo quy định cấm đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài làm nghề massage là hết sức vô lý và không hề có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng.

Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn đưa người lao động sang Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản và người lao động sang Saudi Arabia giúp việc gia đình.

Điểm đáng chú ý của dự thảo khiến dư luận quan tâm là: Nghiêm cấm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí. Nghề massage đứng đầu danh sách các công việc bị cấm.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định cấm đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage là không hợp lý. Trong khi nghề này ở Việt Nam vẫn được hoạt động thì tại sao lại cấm đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage?

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, dự thảo quy định cấm đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài làm nghề massage là hết sức vô lý.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) để ghi nhận thêm ý kiến.

Theo đó, luật sư Thanh nhìn nhận: “Ở góc độ quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng, dự thảo quy định cấm người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage là không hợp lý. Bởi thực tế mà nói thì trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, massage từ lâu đã được coi là một nghề nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ cuộc sống hiệu quả hơn, không những hiện nay mà từ thời xa xưa nghề này đã tồn tại.

Dù vậy, do việc quản lý thiếu chặt chẽ nên nhiều tệ nạn xã hội phát sinh từ hoạt động hành nghề massage, dẫn đến việc khi nói đến massage nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những hoạt động trá hình, làm mất thuần phong mỹ tục. Đó cũng có thể là quan điểm của những người xây dựng dự thảo Nghị định, họ lo sợ hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam từ đó sẽ bị ảnh hưởng. Tôi không phủ định điều đó.

Tuy nhiên, xét theo một góc độ khác, nếu làm nghề massage theo đúng nghĩa thì không có gì là xấu. Dưới góc độ khoa học thì massage rất tốt cho sức khỏe, phục vụ cuộc sống, thậm chí còn chữa được cả bệnh về đau nhức hay xương khớp…”.

Vị luật sư phân tích thêm: “Ở một góc độ khác nữa, mục tiêu của xuất khẩu lao động là giúp thanh niên, người trẻ tuổi có việc làm nhiều hơn. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho công dân đi xuất khẩu lao động làm việc tốt, tại những nước phát triển có sự hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam như Nhật Bản, thì người lao động khi trở về nước vừa có thêm tay nghề, vừa có thêm tiền bạc giúp đất nước ngày càng phát triển”.

Điểm đáng chú ý của dự thảo là: Cấm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm nghề massage. (ảnh minh họa).

Luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải cấm đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài làm nghề massage như dự thảo đã nêu, chỉ cần có chế tài chặt chẽ, thực hiện đầy đủ các cơ chế giám sát, thì hoạt động lao động sẽ trở nên lành mạnh. Từ đó giảm thiểu triệt để tình trạng các cá nhân có ý định đi xuất khẩu lao động để thực hiện ý đồ riêng, tránh làm ảnh hưởng đến tình hình chung. Những người xuất khẩu lao động làm nghề massage ở nước ngoài sẽ không bị lợi dụng để hoạt động trá hình, gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tôi đồng tình với quan điểm của ĐBQH Nguyễn Đức Sáu đã trả lời trên báo điện tử Người Đưa Tin cho rằng, chúng ta hãy nhìn nhận đó là một nghề theo đúng nghĩa của nó, không nên có những quy định cứng nhắc quá!

Dưới góc độ pháp lý, với Việt Nam hiện nay, nghề massage vẫn được hoạt động. Vậy tại sao lại đưa ra quy định cấm người Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí? Điều này hết sức vô lý và không hề có căn cứ cụ thể rõ ràng”.