Tiêu điểm

“Cái gì chưa rõ, chưa chín thì mạnh dạn thí điểm, không nóng vội”

Thủ tướng nói rằng, cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật nhưng chưa phù hợp hoặc chưa có luật thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội.

Việc trình cơ chế đặc thù đều có cơ sở chính trị

Sau phiên chất vấn các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là người cuối cùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong phiên chất vấn ngày 7/11, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đã gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính một câu hỏi dài liên quan đến việc thực hiện yêu cầu về hoàn thiện thể chế nêu tại Nghị quyết số 134 của Quốc hội khóa XIV.

Bà Thủy cho biết nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội nói vui rằng nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm. Việc thực hiện thí điểm tuy có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, song cũng tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Từ đây, gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật. Nữ đại biểu gửi 2 câu hỏi đến Thủ tướng.

Một là việc trình Quốc hội thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không?

Hai là với các chính sách đang thực hiện thí điểm, nếu thấy có tác dụng hiệu quả tốt, tại sao Chính phủ không khẩn trương xây dựng trình Quốc hội sửa đổi luật để áp dụng thống nhất mà vẫn tiếp tục đề xuất chỉ mở rộng phạm vi thực hiện thí điểm trong một số dự án hay địa phương cụ thể. Như vậy liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách hình thành cơ chế xin - cho hay không?.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời về nhận định “nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ thí điểm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc trình các cơ chế, chính sách đặc thù là yêu cầu khách quan.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, có xuất phát điểm thấp, khả năng chống chịu với tác động bên ngoài còn hạn chế, tình hình thế giới cũng thay đổi nhanh nên các văn bản pháp luật có nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

"Hôm qua, Bộ trưởng Lê Thành Long đã trả lời, nay tôi nói thêm việc trình cơ chế đặc thù đều có cơ sở chính trị", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh “những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật nhưng chưa phù hợp hoặc chưa có luật thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 8/11 (Ảnh: Quochoi.vn).

Về cơ sở thực tiễn, người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng hiệu quả từ việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 rất kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều chính sách thí điểm cho các địa phương cũng có phát huy hiệu quả.

“Như vậy, chúng ta có cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý. Nhưng tới đây, Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, lắng nghe các ý kiến để có điều chỉnh cho phù hợp, hướng tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt và thống nhất”, Thủ tướng nêu rõ.

Phân cấp phân quyền để tăng tính linh hoạt

Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Thái Nguyên (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc phân cấp phân quyền có chủ trương rất rõ. Mục đích để phân định trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo của các cấp. Đây là việc quan trọng để tăng tính linh hoạt.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người dân.

Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền; năng lực cán bộ có hạn chế, bất cập; việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.