Cuộc sống số

Cài đặt ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth: Áp đặt chế tài hay dựa trên tinh thần tự nguyện?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có smartphone khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone.

Bộ Y tế mới đây đã ban hành quyết định hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm có: Ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn, ứng dụng Bluezone và ứng dụng NCOVI.

Trong đó, ứng dụng VHD và Tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc); khai báo y tế toàn dân; cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc); ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng. Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học…

Ứng dụng Bluezone cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các smartphone cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng này cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.

Trước đó, vào đợt dịch hồi tháng 8/2020, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cũng từng thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.

Ứng dụng NCOVI cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng. 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth, không thực hiện có thể bị xử phạt.

Ứng dụng Bluezone ghi nhận lại quá trình tiếp xúc thông qua Bluetooth, cho phép bạn có thể theo dõi tình hình dịch bệnh xung quanh mình. Mọi thông tin về trường hợp F0 sẽ được cơ quan y tế cập nhật liên tục đến bạn. 

Ngoài ra, Bluezone còn cảnh báo nguy cơ bị lây nhiễm và tư vấn những cơ sở y tế gần nhất để có thể liên hệ. Ứng dụng cũng cho phép bạn cảnh báo đến với những người khác về tình trạng hiện tại.

Theo như Bluezone cam kết, ứng dụng này sẽ không thu thập thông tin cũng như vị trí của bạn, ẩn danh, minh bạch và đặc biệt không làm tốn nhiều pin điện thoại nên mọi người có thể an tâm sử dụng. 

Để ứng dụng hoạt động tốt nhất trong công cuộc chống lại dịch bệnh Covid, cần có sự chủ động hợp tác của cả cộng đồng để tham gia tải và sử dụng Bluezone.

Hiệu quả của Bluezone đã được chứng minh khi ứng dụng này hỗ trợ cơ quan y tế truy vết được hàng nghìn trường hợp nghi tiếp xúc gần người nhiễm hoặc người nghi nhiễm mới. Đó đều là các trường hợp được tìm ra bên ngoài danh sách truy vết bằng điều tra dịch tễ thông thường.

Áp đặt chế tài hay dựa trên tinh thần tự nguyện?

Bàn luận về vấn đề này, chia sẻ trên báo Giao Thông, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế thừa nhận, hiện chưa có chế tài cụ thể yêu cầu người dân bắt buộc cài đặt Bluezone.

“Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, Bộ Y tế chủ yếu kêu gọi, đôn đốc nhắc nhở thuyết phục người dân tự nguyện cài ứng dụng Bluezone và sử dụng các phần mềm khai báo y tế khác, để đạt hiệu quả chứ phạt là không có”, ông Tường thừa nhận.

Theo ông Tường, Bộ Y tế chỉ đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện, còn cách thức xử lý ra sao thì tùy thuộc từng địa phương, đơn vị sẽ đưa ra quy chế cụ thể.

Cụ thể, tại Quyết định 2666, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

UBND tỉnh, thành phố quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch Covid-19 trên cơ sở tham mưu của sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn này.

Về vấn đề này, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Thái Thị Tuyết Dung (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) nêu quan điểm: Quyết định 2666 của Bộ Y tế nhằm mục đích hỗ trợ phòng chống dịch chứ không phải các biện pháp bắt buộc thực hiện khi phòng chống dịch.

Theo TS Tuyết Dung, một hành vi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi được quy định rõ trong văn bản từ nghị định trở lên và hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có quy định nào đề cập đến việc xử phạt như đã nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện của Bộ Y tế cho biết quy định này được đưa vào nhằm tăng hiệu quả của yêu cầu cài đặt các ứng dụng khai báo y tế và thực hiện khai báo y tế. "Chúng tôi cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định nhưng trong thời điểm dịch giã cần đẩy mạnh việc thực hiện khai báo y tế", vị đại diện này nói.

Hiện tại các địa điểm công cộng hay tập trung đông người như sân bay, khu du lịch, bệnh viện... đều yêu cầu khai báo y tế trước khi vào cơ sở sử dụng dịch vụ, việc khai báo y tế điện tử rất tiện dụng nên những người có điện thoại thông minh phần lớn đều có thể cài đặt và khai báo y tế điện tử.

Tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ có thể thực hiện khi người đó đến các địa điểm có yêu cầu khai báo y tế, không thể bất ngờ kiểm tra và xử phạt do không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số người tải ứng dụng Bluezone

Tính đến 17h ngày 27/5, cả nước hiện đã có 33,48 triệu lượt tải và sử dụng ứng dụng Bluezone. Tổng lượng người cài đặt Bluezone đã tăng hơn 2,6 triệu so với thời điểm ngày 28/4, khi làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.

Trong số 33 triệu lượt người sử dụng Bluezone, có hơn 20,78 triệu người đã nhập số điện thoại của mình vào phần thông tin trên ứng dụng. Lượng người cung cấp số điện thoại cho các cơ quan chức năng đã tăng gần 1,1 triệu người so với thời điểm ngày 28/4.

Hai địa phương dẫn đầu cả nước về số người tải ứng dụng Bluezone là Hà Nội (3,1 triệu người) và TPHCM (2,83 triệu người). Ở chiều ngược lại, các tỉnh như Điện Biên (70.832 người), Kon Tum (68.269 người), Lai Châu (58.227 người), Bắc Kạn (48.208 người),... là những địa phương có lượng người tải Bluezone thấp nhất.

Nếu xét trên tỉ lệ dân số, Đà Nẵng (43,7%), Hải Dương (40%), Hà Nội (39%), Bắc Ninh (37,8%), Quảng Ninh (37,2%) là những địa phương có số Bluezoner nhiều nhất.

Tuy vậy, có một thực tế là số người tải và số người thực sự sử dụng ứng dụng Bluezone hiện vẫn đang có mức chênh lệch đáng kể.

Tại Hà Nội, nơi có nhiều người tải về Bluezone nhất, lượng tài khoản Bluezone thực sự hoạt động chỉ là 1,23 triệu, chiếm 40% tổng số tài khoản. Ở TP.HCM, số người dùng Bluezone thực sự (bật Bluetooth để Bluezone hoạt động) là khoảng 1,1 triệu người, chiếm 38% tổng số tài khoản.

Hiện Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng,... đều đã có văn bản vận động người dân áp dụng các giải pháp công nghệ như khai báo y tế điện tử và cài đặt ứng dụng Bluezone để phòng, chống dịch.

Trước diễn biến khẩn cấp của dịch bệnh hiện nay, UBND TP. Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cung cấp số liệu cài đặt Bluezone để các quận, huyện chủ động tuyên truyền, vận động, nâng tỉ lệ cài đặt đến mức khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp tốt với các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa tin đầy đủ, toàn diện hoạt động chỉ đạo-điều hành của Thành phố về công tác phòng, chống dịch để người dân hiểu, tiếp cận nhanh nhất chỉ đạo của Thành phố. 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

H.H (T/h)