An ninh - Hình sự

Cái chết của vị khách có thân phận bí ẩn và câu hỏi về hung thủ thực sự trong suốt 84 năm

Cái chết của nam thanh niên có tên Ronald T.Owen tại căn phòng 1046 của khách sạn President đã xảy ra cách đây 84 năm nhưng cảnh sát vẫn chưa hề tìm được hung thủ thật sự.

Vị khách kỳ lạ  

Ngày 2/1/1935, một người đàn ông tự xưng là Roland T.Owen đã đến thuê phòng ở khách sạn President ở thành phố Kansas, Missouri, Mỹ. Theo lời nhân viên kể lại, Owen nói rằng mình đến từ Los Angeles và anh ta buộc phải chuyển chỗ ở vì khách sạn cũ quá đắt với chất lượng dịch vụ. Owen chỉ có bàn chải, lược và kem đánh răng chứ không đem theo vali hay bất kỳ hành lý nào khác. Tất cả những nhân viên làm việc ở đó đều xác nhận Owen trong độ tuổi khoảng từ 20 đến 25 và trên đầu vị khách có vết sẹo khá lớn.

Chân dung phác họa Ronald T.Owen (tên thật là Artemus Ogletree) 

Không những vậy, nhân viên khách sạn còn cho biết thêm, Owen hành xử khá kỳ lạ. Anh ta để phòng của mình trong tình trạng tối om suốt cả ngày, ánh sáng le lói duy nhất được xuất hiện là từ chiếc đèn bàn. Trong ngày đầu tiên ở khách sạn. Owen đã nói với nhân viên dọn phòng rằng hãy để cửa mở vì ông đang chờ một người bạn. Thái độ khi đó của ông Owen khá đáng sợ.

Ngày hôm sau, 3/1/1935, khi đang dọn phòng của ông Owen thì nữ nhân viên này nghe thấy ông có điện thoại. "Không, tôi không muốn ăn", ông nói. Một lúc sau, người này quay trở lại phòng ông Owen để giao thêm khăn tắm thì nghe thấy giọng nói của 2 người đàn ông. Cửa phòng khi đó đóng kín. Một chất giọng ồ ồ vang lên nói với cô rằng họ không cần thêm khăn. Người dọn phòng cảm thấy vô cùng lạ vì từ khi vị khách vào ở, căn phòng chưa từng được dọn dẹp qua lần nào.

Tối muộn ngày hôm đó, 1 nhân viên văn phòng có tên là Robert Lane đang lái xe về nhà thì nhìn thấy người đàn ông đứng vẫy tay bên đường. Lane chú ý đến anh ta vì người đàn ông đó chỉ mặc 1 chiếc áo chiếc áo mỏng giữa mùa đông lạnh lẽo. Lane nhìn thấy vết thương khá sâu trên tay người đàn ông.

“Trông anh có vẻ không được ổn lắm”, Lane quan tâm hỏi chuyện người đàn ông.

“Tôi sẽ giết hắn ta”, người đàn ông đáp lại giọng đầy hận thù.

Lane không gì nữa, chỉ yên lặng giúp người đàn ông bắt taxi mà quên mất không hỏi tên anh ta. Mãi cho đến khi hình ảnh của Owen lan truyền trên khắp các trang báo, Lane mới hay biết người đàn ông bị thương đêm đó chính là Ronald T.Owen.

Căn phòng máu

Ngày hôm sau, 1 người quản lý đã nhận thấy điện thoại của phòng 1046 không hoạt động nên đã cử nhân viên lên đó kiểm tra. Sau khi gõ cửa 1 lúc lâu không thấy ai trả lời, người nhân viên đành phải sử dụng chìa khóa dự phòng để mở cửa. Ngay lúc này, anh ta phát hiện Owen đang nằm trên giường trong tình trạng khỏa thân. Tuy nhiên khi đó, người nhân viên chỉ nghĩ đơn giản rằng Owen đã say rượu từ đêm qua nên cũng không dám đánh thức mà chỉ chỉnh lại đường dây điện thoại rồi rời đi.

Song, vài tiếng sau, điện thoại của phòng 1046 tiếp tục không liên lạc được. Người nhân viên khi nãy lại được cử lên phòng để kiểm tra. Lo khách vẫn trong tình trạng say rượu, anh ta đã cầm sẵn chìa khóa dự phòng theo cùng.

Căn phòng lúc này chòm hoàn toàn trong bóng tối, nam nhân viên khách sạn phải lần mò bức tường để tìm thấy công tắc. Sau khi điện trong phòng được thắp sáng hết lên, người nhân viên hốt hoảng khi phát hiện vị khách của mình nằm cách cửa chỉ 1 đoạn ngắn, bàn tay ôm chặt vết thương vẫn chảy máu trên đầu, hơi thở vô cùng yếu.

“Máu ở khắp nơi, trên giường, nhà tắm, trên tường”, nam nhân viên run rẩy kể lại.

Căn phòng 1046 

Cơ quan chức năng và nhân viên y tế nhanh chóng được gọi đến hiện trường, họ phát hiện ông Owen bị trói ở cổ, cổ tay và mắt cá như thể người đàn ông này bị tra tấn trước khi chết. Vị khách này còn bị nứt hộp sọ với nhiều vết dao trên người, một trong số đó còn làm lủng phổi ông. Máu vương vãi khắp nơi, bao gồm trần nhà, nhưng lượng lớn máu đã khô khiến bác sĩ tin rằng vụ án mạng có thể đã xảy ra khoảng 6-7 tiếng trước khi được phát hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc, vào thời gian nam thanh niên kiểm tra điện thoại lần 1, Owen đã bị thương rất nặng trên giường chứ không phải là đang ngủ say như nhân chứng đã kể lại.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng không thu thập được quá nhiều manh mối. Tất cả đồ đạc và áo khoác của Owen đã biến mất. Nhưng kỳ lạ hơn, cảnh sát đã tìm thấy 1 chiếc kẹp tóc, điếu thuốc lá còn nguyên và dấu vân tay trên tay cầm điện thoại được cho là của 1 người phụ nữ.

Trong lúc nửa tình nửa mê, Owen đã nói với những nhà chức trách rằng anh ta bị ngã đập đầu vào bồn tắm, không có bất kỳ ai trong phòng anh ta vào thời điểm xảy ra vụ án. Tuy nhiên, lời giải thích quá vô lý so với những vết thương được nhìn thấy trên cơ thể của Owen nên cơ quan chức năng cho rằng nạn nhân đang cố bao che cho hung thủ vì 1 lý do nào đó.

Owen được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu và qua đời trong đêm hôm đó.

Danh tính thực sự

Ngay sau đó, cảnh sát bắt tay vào việc điều tra danh tính của của Ronald T. Owen và bất ngờ thay, Owen không phải là tên thật của nạn nhân. Cơ quan chức năng đã phác thảo lại chân dung của Owen rồi đăng lên các tờ báo và dán trên khắp đường phố của Kansas với dòng chữ: “Bạn có nhận ra người này không?”

Sau 1 thời gian đăng tải thông tin, cơ quan chức năng nhận được vài trình báo về những người đã gặp Owen nhưng họ đều đưa ra các cái tên khác nhau. Nhiều gia đình có người thân bị mất tích ở thành phố Kansas cũng gửi đơn về sở cảnh sát nhưng đều không trùng khớp với nạn nhân. Cuối cùng, Owen được đưa đến nhà tang lễ địa phương để tổ chức lễ truy điệu.

Sau đó, cảnh sát dự định chôn cất ông Owen dưới cái tên John Doe thì nhà tang lễ nhận được một cuộc điện thoại bí ẩn. Người ở đầu dây bên kia yêu cầu nhà tang lễ tạm ngưng công tác chôn cất và hứa sẽ gửi đủ tiền để tổ chức cho ông Owen một lễ tang đàng hoàng. Chỉ trong vòng 1 tháng, nhà tang lễ đã nhận được rất nhiều phong bì chứa tiền để chi trả cho chi phí đám tang. Cuối cùng, nạn nhân cũng được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, nghĩa trang thành phố Kansas, dưới cái tên Roland T. Owen nhưng không có ai đến đưa tiễn ngoài cảnh sát.

Tuy nhiên, trên mộ của ông Owen lại được đặt 13 bông hoa hồng được giao đến bởi một người đàn ông nặc danh, nói rằng ông làm điều này vì em gái của mình. Đi kèm theo bó hoa là tấm thiệp có điền dòng chữ: "Mãi yêu anh - Louise".

Bài báo giúp bà Ruby nhận ra con trai của mình 

Một năm sau cái chết của Owen, 1 người phụ nữ tên là Ruby Ogletree đã xem bài báo trên tạp chí địa phương về những vụ giết người bí ẩn kèm hình ảnh của Owen đã lập tức nhận ra người này. Nạn nhân không ai khác chính là con trai bà, Artemus Ogletree, 2 mẹ con mất liên lạc từ khi nạn nhân đến Birmingham, Albama vào tháng 4/1934.

Theo lời kể của bà Ruby, Artemus mới 17 tuổi và bà đã không liên lạc với con trai của mình kể từ khi anh ta biến mất ngoại trừ 3 lá thư. Kỳ lạ hơn, một trong số những bức thư đó được gửi sau khi Artemus qua đời với nội dung thông báo cho mẹ rằng mình đang ở Ai Cập.

Đã hơn 80 năm trôi qua, câu trả lời về hung thủ và động cơ giết hại chàng trai trẻ vẫn chưa được cảnh sát làm rõ. Họ vẫn đang loay hoay trong hàng loạt những câu hỏi về các manh mối thu thập được ở hiện trường và nhân vật Louise bí ẩn gửi hoa đến ngày đưa tang nạn nhân.

Han (theo Al)