Thế giới

Cái bắt tay giữa Tổng thống Nga Putin và Lãnh tụ tối cao Iran

Tổng thống Nga Vladimir Putin là người thứ 2 Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei bắt tay kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Iran bị phủ bóng bởi các hành động can thiệp quân sự hiện tại của Moscow vào Ukraine.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nói với Tổng thống Putin rằng nếu ông không bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, NATO sẽ làm điều đó.

"Nếu các vị không chủ động, bên kia (phương Tây) sẽ chủ động và gây ra một cuộc chiến", trang web của Đại giáo chủ Khamenei cho biết sau cuộc gặp giữa ông và ông Putin ở Tehran hôm 19/7.

Thông điệp của ông Putin từ chuyến thăm Iran

Tổng thống Nga Putin đã có mặt tại Tehran hôm 197 để hội đàm với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề chính ảnh hưởng đến khu vực, bao gồm cơ chế đàm phán Astana về xung đột ở Syria.

Ông Putin ca ngợi hội nghị thượng đỉnh Syria ở Tehran là "cực kỳ hữu ích và thực chất", mô tả bầu không khí là "chuyên nghiệp và mang tính xây dựng".

Sau hội nghị, theo ông Putin, 3 nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố chung, cam kết tăng cường hợp tác vì lợi ích của việc "bình thường hóa" tình hình ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan trước khi hội đàm về tiến trình Astana cho Syria, tại Tehran, Iran, ngày 19/7/2022. Ảnh: Gulf Times

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng ca ngợi các cuộc gặp song phương của ông với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan.

Theo ông Putin, ông và ông Erdogan đã thảo luận về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga, cũng như an ninh lương thực, nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.

Ông cũng ca ngợi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán về xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, và cho biết rằng đàm phán đã đạt được một số tiến bộ.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine đã cản trở các chuyến hàng từ quốc gia Đông Âu - một trong những nhà xuất khẩu lúa mì và ngũ cốc lớn nhất thế giới, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

Chuyến đi tới Tehran này là chuyến công du nước ngoài lần thứ hai của ông Putin kể từ khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát hôm 24/2. Đây cũng là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Điện Kremlin bên ngoài Liên Xô cũ kể từ cuối tháng 2.

Đáng chú ý, chuyến công du Trung Đông của ông Putin diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và Ả Rập Xê-út. Đây được cho là một thông điệp mạnh mẽ Nga gửi tới phương Tây về kế hoạch của Moscow nhằm củng cố mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với Iran, Trung Quốc và Ấn Độ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nếu Nga không chủ động, phương Tây sẽ chủ động

Trước khi hội đàm 3 bên, ông Putin đã gặp Lãnh tụ tối cao Iran – Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.

Ông Khamenei kêu gọi hợp tác lâu dài giữa Iran và Nga, nói với ông Putin rằng 2 nước cần phải cảnh giác trước "sự lừa dối của phương Tây", đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin.

Ông Khamenei cho biết, ông Putin đã đảm bảo Nga "duy trì sự độc lập" khỏi Mỹ và bày tỏ sự ủng hộ đối với các nước bắt đầu sử dụng đồng tiền quốc gia của mình khi giao dịch hàng hóa.

“Đồng bạc xanh của Mỹ (USD) nên được loại bỏ dần dần khỏi thương mại toàn cầu và điều này có thể được thực hiện từng bước”, ông Khamenei nói.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (đứng giữa), bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Tehran, với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đứng bên phải, ngày 19/7/2022. Ảnh: Al Jazeera

Liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn tiến, Lãnh tụ tối cao Iran cho rằng Moscow có rất ít lựa chọn thay thế ở Ukraine.

"Nếu các vị không chủ động, bên kia (phương Tây) sẽ chủ động và gây ra một cuộc chiến", Đại giáo chủ Khamenei nói với Tổng thống Putin.

Văn phòng của nhà lãnh đạo tối cao Iran công bố hình ảnh ông Khamenei bắt tay Tổng thống Nga, điều hiếm thấy kể từ sau đại dịch Covid-19. Ông Khamenei mới chỉ bắt tay với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh lớn khác của Iran trong khu vực, người đã có chuyến thăm bất ngờ tới Tehran vào tháng 5.

Vừa là đối tác, vừa là đối thủ

Đối với Iran, cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và đang mâu thuẫn với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân và một loạt các vấn đề khác, chuyến thăm của ông Putin được cho là “đúng lúc”.

Đây là chuyến đi thứ 5 của Tổng thống Putin tới Tehran. Ông Putin lần đầu đến thăm thủ đô Iran vào năm 2007 và sau đó là các năm 2015, 2017 và 2018.

Các nhà lãnh đạo Iran mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Nga khi đối mặt với một khối vùng Vịnh mới nổi do Mỹ hậu thuẫn, bao gồm cả Israel, có thể khiến cán cân quyền lực Trung Đông xa rời Iran.

“Cả 2 quốc gia đều có kinh nghiệm tốt trong việc chống khủng bố và điều này có lợi cho an ninh khu vực của chúng tôi”, Tổng thống Iran Raisi nói sau cuộc hội đàm với ông Putin.

Ông Raisi nói với ông Putin: "Tôi hy vọng chuyến thăm của ông tới Iran sẽ tăng cường hợp tác giữa 2 quốc gia độc lập của chúng ta".

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội đàm với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Tehran, ngày 19/7/2022. Ảnh: DW

Bị thúc đẩy bởi giá dầu cao kể từ xung đột Nga-Ukraine, Iran đang đánh cược rằng với sự hỗ trợ của Moscow, Tehran có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Nga và Iran cũng là đối thủ cạnh tranh kinh tế với tư cách là những nhà xuất khẩu dầu và khí đốt lớn trên thế giới. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi Nga chuyển trọng tâm xuất khẩu sang Trung Quốc sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc là thị trường quan trọng của năng lượng Iran.

Tuy nhiên, đáng chú ý, hôm 19/7, ngay trước khi ông Putin đến, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 40 tỷ USD (39 tỷ Euro) về phát triển các mỏ dầu và khí đốt.

Các quan chức Iran cho biết, thỏa thuận không ràng buộc được đưa ra khi tổng khối lượng đầu tư hiện tại của Nga vào các lĩnh vực năng lượng của Iran là 4 tỷ USD.

Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới sau Nga nhưng đã bị tụt hậu trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng do các lệnh trừng phạt ngăn cản các khoản đầu tư nước ngoài.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Gulf Times, DW)