Dân sinh

"Cái bang", sách bói toán "tung hoành" khắp đình chùa dịp đầu năm

Gần đến rằm tháng Giêng, tình trạng xem bói, người bán các loại sách, văn hóa phẩm mê tín dị đoan, người xin tiền… xuất hiện nhiều trên các tuyến đường và đình chùa.

Clip: Sách bói toán "tung hoành" khắp đình chùa dịp đầu năm.

Ghi nhận của PV cho thấy, tại Sa Tân miếu hay quen gọi miếu Nổi (quận Gò Vấp, TP.HCM), rất nhiều người bày bán la liệt các loại sách và ấn phẩm mê tín dị đoan, đặc biệt là các tệp giấy coi tuổi, sách bói bài, sách xem tướng số…

Trong khoảng sân nhỏ, hẹp, có tới 4 - 5 người ngồi bày bán các loại sách ấn phẩm mê tín.

"Xem tuổi, coi sao đây!", một người phụ nữ rao khi thấy khách hành hương ngang qua.

Vừa ngồi, một người phụ nữ vừa rao: "Xem tuổi đây! Xem tuổi đây!". Hễ có người hành hương ngang qua, người này đều chào mời đon đả. Để thực tế, PV dừng chân, ghé vào quan sát thì hoa cả mắt vì đủ loại sách, ấn phẩm mê tín dị đoan. PV quyết định mua một bộ sách xem tuổi Tý, trong này có rất nhiều thông tin nhưng đều có thể gây hoang mang cho người đọc. Một bộ 3 tờ giấy, photo đen trắng nhưng được bán với giá 5.000 đồng.

Trong khoảng sân nhỏ, hẹp nhưng có tới 4 - 5 người ngồi bày bán các loại sách ấn phẩm mê tín.

Bên cạnh đó, ngay tại khu vực Sa Tân miếu (phía đất liền) còn có một người phụ nữ khá lớn tuổi ngang nhiên ngồi bói bài cho khách.

Ngoài điểm này, hàng loạt điểm khác cũng bày bán các loại sách ấn phẩm mê tín này như trên cầu Công Lý, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), gần chùa Vĩnh Nghiêm hay trước cổng chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn)…

Trong khi đó, lực lượng “cái bang” từ nước ngoài (chủ yếu là ở Campuchia) tràn về dịp Tết, cộng thêm “đội quân” trong nước tỏa ra hoạt động khiến cho tình hình xin tiền trước các cổng chùa và đường phố trở nên phức tạp. 

“Cái bang” từ nước ngoài (chủ yếu ở Campuchia) tràn về dịp Tết.

Điển hình tại chùa Như Lai đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) có 3 đối tượng xin tiền. Trong đó có 2 phụ nữ và một thanh niên. Hai người phụ nữ từ Campuchia trở về, trong đó, có một trẻ em được bế theo. Còn người thanh niên thì trông rất cao to khỏe mạnh nhưng vẫn ngả nón xin tiền.

Mặt khác, trên nhiều tuyến đường của TP.HCM, PV ghi nhận nhiều “cái bang” đứng xin tiền. Điều đáng nói là nhiều đối tượng chỉ nhận tiền, chứ không hề nhận bất cứ thứ gì khác.

Ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu (quận 1, TP.HCM) có một trẻ khá lớn bế thêm đứa trẻ nhỏ đang ngủ đứng ngả nón xin tiền của người đi đường. Hễ đèn đỏ là cô bé lại đứng lên, chạy ra giữa lòng đường giơ nón xin tiền. Cứ thế, hai đứa trẻ đứng ở khu vực này xin tiền rất lâu đến tận khuya.

Tương tự, PV lại ghi nhận tại ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), có 4 phụ nữ hoặc bế trẻ nhỏ trên tay hoặc dắt theo để xin tiền. Những người này luôn túc trực tại đây, hễ có đèn đỏ là lại tủa ra đường và đến từng người ngả nón xin tiền. Tất cả những người này đều từ Campuchia trở về.

Đặc điểm của các đối tượng xin tiền trong dịp Tết này đa phần là phụ nữ và mang theo con nhỏ hoặc trẻ lớn dắt trẻ nhỏ, trẻ nhỏ hoạt động độc lập. Các “cái bang” này được phân chia địa bàn hoạt động, mỗi người “trực” từng khu vực khác nhau.

Người đứng xin tiền khắp nơi dịp đầu năm.

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Cẩm Anh (TP.HCM) cho rằng: “Cơ quan chức năng cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt để dẹp vấn nạn này. Cho đến nay, chưa thấy một vị chủ tịch, bí thư phường nào, quận nào hay ngành nào “phải chịu trách nhiệm” về tình trạng người xin tiền đang có dấu hiệu bùng phát trở lại như hiện nay”.

Trong ngày 12 - 13/2 (tức mùng 8 - 9 Tết), PV gọi theo 3 đường dây nóng về tiếp nhận thông tin người xin ăn, xin tiền trên địa bàn TP.HCM do sở LĐ-TB&XH công bố nhưng không ai nghe máy để tiếp nhận thông tin. Ở số điện thoại 028.38292491 của phòng Bảo trợ xã hội (sở LĐ-TB&XH), điện thoại đổ chuông nhưng không ai nghe máy. Số điện thoại 028.35553258 (trung tâm Hỗ trợ xã hội, trực 24/24h) “không tồn tại”. Số di động 0903959929 của ông Lê Chu Giang, nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội đã nghỉ hưu và cũng không nghe máy.