Tiêu điểm thế giới

Cách Trung Quốc và Ấn Độ xử lý "cơn khát" nhiên liệu

Hai nhà tiêu thụ than hàng đầu thế giới có cách thức khác nhau để đối diện với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn tiến.

Trong khi Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu điện với những hiệu quả đang dần xuất hiện, thì nước láng giềng Ấn Độ vẫn còn khá chật vật khi đối mặt với vấn đề tương tự, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin.

Trong nỗ lực mới nhất, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã kiểm tra và phối hợp với các doanh nghiệp quốc doanh để tăng sản lượng và nguồn cung than, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết hôm 25/10.

Thông tin thị trường hôm 25/10 cho thấy, các mỏ ở các khu vực sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc đã chủ động giảm giá bán than trong bối cảnh giá than vốn đã giảm hơn 100 Nhân dân tệ/tấn (15,65 USD/tấn), và có trường hợp còn ghi nhận mức giảm sâu nhất là 360 Nhân dân tệ/tấn.

NDRC cho biết, kể từ cuối tháng 9, sản lượng than trung bình hàng ngày của Trung Quốc đã tăng hơn 1,2 triệu tấn.

Nguồn cung than đã vượt mức tiêu thụ trong 20 ngày liên tiếp kể từ ngày 5/10. Đến 24/10, lượng than tồn kho tại các nhà máy điện đạt 95,69 triệu tấn, có thể sử dụng trong 17 ngày. Với việc tiếp tục giải phóng công suất than, nguồn cung than cho các nhà máy điện Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn nữa.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA) hôm 23/10, trong số 136 nhà máy nhiệt điện than của Ấn Độ, 10 nhà máy đã hết than và 117 nhà máy có tồn kho than cho chưa đầy một tuần, có nghĩa là gần 86% nhà máy điện của nước này có thể đóng cửa bất cứ lúc nào vì thiếu than, Global Times cho biết. Thậm chí không có một nhà máy nào có trữ lượng than đủ để sử dụng trong một tháng.

Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các nhà máy điện tăng lượng than dự trữ. Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện các bước để hạ giá than, tăng sản lượng trong nước, mở rộng nhập khẩu và tăng tốc sản xuất năng lượng mới.

Nhà máy điện Zouxian ở tỉnh Sơn Đông là một trong những nhà máy nhiệt điện than lớn nhất, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường nhất ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Tình trạng thiếu than ở Trung Quốc là do nhiều mỏ đóng cửa để đáp ứng mục tiêu năng lượng sạch, trong khi thiếu công suất là nguyên nhân của phía Ấn Độ, Global Times đưa tin, dẫn lời Wang Yongzhong, người đứng đầu Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Tìm cách đảm bảo nhiên liệu sản xuất điện

Do đặc điểm hệ thống hành chính công của mình, chính quyền trung ương Ấn Độ khó huy động các nguồn lực công trên quy mô lớn hơn.

Ấn Độ không thể đưa ra lời kêu gọi cấp quốc gia như Trung Quốc để giảm giá than và ổn định nguồn cung, Qian Feng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, nói với Global Times hôm 25/10.

Thêm vào đó, “Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong số các nước đang phát triển, đồng nghĩa với nhu cầu điện cao", Qian lưu ý.

Tổng công suất phát điện của Ấn Độ là khoảng 448,11 triệu KW vào cuối tháng 3/2020, theo CEA.

Than đá là nguồn năng lượng chính ở Ấn Độ, chiếm khoảng 73% tổng năng lượng tiêu thụ, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ,

Còn tại Trung Quốc, quốc gia đang trên đường tiến tới trạng thái trung lập carbon vào năm 2060, lần đầu tiên tỉ lệ công suất nhiệt điện than lắp đặt - khoảng 1,095 tỷ KW vào năm 2020 - đã giảm xuống còn 50% tổng công suất. Tỉ trọng nhiệt điện than là 65,7% vào năm 2012, theo số liệu do Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia công bố hồi tháng 1/2021.

Ngoài việc sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng sạch, các nhà phân tích cho rằng mở rộng nhập khẩu là một giải pháp cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, giá than toàn cầu đã tăng và các nhà máy điện Ấn Độ khó có khả năng mua được than với giá cao hơn như các nhà máy điện Trung Quốc.

Ví dụ, giá than cơ bản tại Indonesia đã đạt mức kỷ lục, tăng từ 110-120 USD/tấn vào đầu tháng 10 lên 160-170 USD/tấn trong tuần này.

Indonesia đã xuất khẩu 21 triệu tấn than sang Trung Quốc trong tháng 9, tăng từ 17 triệu tấn trong tháng 8, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tình trạng thiếu than ở Trung Quốc dự kiến sẽ giảm bớt trong vài tháng tới khi tất cả các biện pháp được thực hiện và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu than vì nước này đang dần chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, Wang cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Quá trình công nghiệp hóa chưa hoàn thành, trong khi nước này chưa đưa ra cam kết rõ ràng với cộng đồng quốc tế về việc giảm lượng phát thải.

Trục trặc đến từ các mắt xích trong chuỗi cung ứng điện

Trong khi đó, về phía Ấn Độ, Bộ trưởng Điện lực Ấn Độ R.K. Singh hôm 25/10 khẳng định, sẽ không có chuyện thiếu điện dù trữ lượng than tại các nhà máy điện của nước này đang ở mức thấp, The Hindu đưa tin.

Vấn đề nằm ở chỗ các công ty phân phối điện cần kịp thời thanh toán chi phí mua điện từ các nhà máy điện thì các nhà máy này mới có tiền để mua nhiên liệu và tiếp tục quy trình sản xuất của mình, từ đó đảm bảo không gián đoạn nguồn cung ở 2 mắt xích này trong chuỗi cung ứng điện quốc gia.

Công ty Coal India sản xuất hơn 80% lượng than của Ấn Độ. Ảnh: Business Standard

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện trên khắp Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu than.

"Sẽ không có bất kỳ bước lùi nào... Không có chuyện mất điện. Trong trường hợp một số sự cố mất điện có xảy ra, thì đó là do hạn chế của chính các bang trên đất nước", Bộ trưởng Singh khẳng định.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA), tính đến ngày 23/10, 135 nhà máy nhiệt điện có công suất trên 165GW, nằm dưới sự giám sát của CEA, đang có 8,1 triệu tấn than, đủ dùng cho 4 ngày.

Minh Đức (Theo Global Times, The Hindu)