Xu hướng thị trường

Cách ngành hàng không thế giới gia nhập “cuộc đua” chuyển đổi số

Vietnam Airlines cũng đã củng cố vị thế dẫn đầu “đường đua” số hóa ngành hàng không trong nước với việc số hóa thực đơn trên các chuyến bay.

Xu hướng số hóa của ngành hàng không trên thế giới

Theo xu thế vận hành chung của phát triển kinh tế, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của ngành hàng không thế giới. Các hãng hàng không đã ứng dụng số hóa vào quá trình vận hành và ​​xây dựng các điểm chạm trên hành trình trải nghiệm khách hàng. 

Theo báo cáo được đưa ra bởi SITA (công ty toàn cầu chuyên về công nghệ thông tin và dịch vụ cho ngành hàng không), các hãng hàng không và sân bay trên thế giới đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ quan trọng để cải thiện và nâng cấp hoạt động của họ trước tình trạng gián đoạn của đại dịch Covid-19, đồng thời tự động hóa trải nghiệm của hành khách.

Điều này đã thúc đẩy quá trình số hóa của ngành hàng không. Cũng theo báo cáo của SITA, 96% hãng hàng không và 93% sân bay dự kiến ​​sẽ giữ nguyên mức chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ hoặc tăng lên vào năm 2023.

Hiện nhiều hãng hàng không đang tích cực áp dụng công nghệ vào quá trình số hóa trong hoạt động của mình để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách, điển hình có thể kể đến: Singapore Airlines, Emirates Airline, Delta Air Lines, Qantas…

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của ngành hàng không thế giới.

Các hãng hàng không này đã cung cấp cho khách hàng của họ những trải nghiệm kỹ thuật số toàn diện, bao gồm đặt vé trực tuyến, quản lý chuyến bay, và dịch vụ hành khách thông qua ứng dụng di động. Các hãng này cũng cung cấp kết nối Wi-Fi trên máy bay và tích hợp công nghệ giải trí cá nhân trên các chuyến bay dài. Ngoài ra, hãng Qantas - Hãng hàng không Quốc gia Úc cũng đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt để giúp hành khách trải qua quá trình kiểm tra an ninh một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Với chiến lược số hóa, nhiều hãng hàng không đã đạt được những kết quả tích cực, từ việc nâng cao trải nghiệm hành khách, tối ưu hóa quy trình hoạt động, đến nâng cao an ninh và an toàn hàng không, tăng cường việc quản lý và phân tích dữ liệu, tăng cường sự kết nối và tương tác kỹ thuật số với hành khách.

Các hãng hàng không đã làm tốt việc số hóa và không ngừng khám phá tiềm năng của quá trình này để mang đến sự tiện ích và cải tiến liên tục, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho ngành hàng không.

Vietnam Airlines dẫn đầu “đường đua” số hóa ngành hàng không tại Việt Nam

Không đứng ngoài xu thế phát triển trên thế giới, tại Việt Nam, Vietnam Airlines cũng đã và đang từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu làn sóng chuyển đổi số trong ngành hàng không.

Ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines khẳng định: “Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải được thực hiện hết sức quyết liệt. Chuyển đổi số là cơ sở để chúng ta nâng cao hiệu quả quản trị, từ đó gia tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, tạo ra lợi nhuận và sự phát triển bền vững.”

Vietnam Airlines đã áp dụng khoa học công nghệ vào nhiều hoạt động để đẩy mạnh quá trình số hóa của mình như: đặt vé và check-in trực tuyến; tích hợp công nghệ trên máy bay; quản lý hành khách bằng ứng dụng di động riêng của hãng…

Những năm qua, hãng cho ra mắt Trợ lý ảo - Chatbot AI vào năm 2020 và ứng dụng đọc báo, tạp chí điện tử PressReader vào năm 2022. Với ngân hàng hơn 4.000 câu hỏi và không ngừng cải thiện khả năng cá nhân hóa, tính đến nay, Chatbot có thể giải đáp được hầu hết các câu hỏi cơ bản về mua vé máy bay, điều kiện hoàn/đổi, thông tin hành lý… cũng như tư vấn phù hợp nhất với các sản phẩm dịch vụ mà khách hàng quan tâm. Trong khi đó, với ứng dụng đọc báo PressReader, hành khách có thể đọc báo trực tiếp hoặc lưu về thiết bị cá nhân để đọc ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

 Vietnam Airlines đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không số vào năm 2025.

Mới đây, Vietnam Airlines tiếp tục quá trình chuyển đổi số của mình với hoạt động số hóa thực đơn suất ăn, đồ uống trên các chuyến bay nội địa và quốc tế, thay thế dần cho cuốn thực đơn giấy truyền thống. Theo đó, thực đơn của từng chặng bay sẽ được đăng tải trên website và ứng dụng di động Vietnam Airlines, cho phép hành khách truy cập xem trực tiếp hoặc lưu trữ về thiết bị cá nhân.

Trước khi chuyến bay khởi hành 7 ngày, hệ thống sẽ gửi thư mời tra cứu thực đơn qua tin nhắn và email để khách hàng tiện theo dõi. Đồng thời, trên mỗi chuyến bay, hành khách vẫn có thể tra cứu thực đơn bằng cách quét mã QR được cung cấp trong tạp chí Heritage trước khi máy bay cất cánh.

Ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Ứng dụng công nghệ trong phục vụ thực đơn là xu hướng tất yếu của thời đại số. Đặc biệt, đối với một doanh nghiệp tiên phong phát triển hàng không bền vững như Vietnam Airlines, sự thay đổi này còn thể hiện được trách nhiệm của Hãng đối với các hoạt động bảo vệ môi trường. Thông qua công tác số hóa thực đơn, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hướng tới mục tiêu tối thiểu hóa tác động của từng khâu vận hành bay tới môi trường sống”.

Trên “đường đua” số hóa ngành hàng không tại Việt Nam, Vietnam Airlines đã đặt ra cho mình một đích đến cụ thể, đó là trở thành hãng hàng không số vào năm 2025. Hoạt động số hóa thực đơn lần này chính là một cột mốc quan trọng giúp Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam rút ngắn khoảng cách về đích của mình.