Sự kiện

Cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM: Cần tự giác và xử phạt thật nghiêm

Theo ông Trần Quý Tường, cách ly F1 tại nhà là đúng xu hướng của thế giới và cũng phù hợp trong điều kiện địa phương nhiều ca mắc, nhiều F1 phải cách ly.

Bộ Y tế hôm qua (27/6) chính thức có văn bản hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đối với các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn. Trong đó nhấn mạnh chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà các trường hợp đảm bảo tuân thủ điều kiện theo hướng dẫn.

Theo hướng dẫn, F1 phải được cách ly tại nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập).

Trong nhà, phải có phòng cách ly F1 riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng, thì sử dụng 1 tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.

Người cách ly tại nhà phải có cam kết với chính quyền, không ra khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình và động vật nuôi, được bố trí suất ăn riêng, tự đo thân nhiệt hằng ngày, cài đặt các ứng dụng theo dõi sức khỏe và báo ngay cho cơ quan y tế nếu có vấn đề về sức khỏe...

Bên cạnh đó, người cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào các ngày thứ nhất, thứ 7, 14, 21 và 28 của đợt cách ly. Gia đình, người cùng nhà không để người có bệnh nền ở cùng nhà với người cách ly.

Trường hợp F1 là trẻ em, người già yếu, gia đình phải bố trí người chăm sóc. Trường hợp người cách ly, người chăm sóc có xét nghiệm dương tính sẽ được đưa ngay đến cơ sở y tế và thực hiện theo quy định.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, theo ông Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế (phó trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Ninh), cách ly F1 tại nhà là đúng xu hướng của thế giới và cũng phù hợp trong điều kiện địa phương nhiều ca mắc, nhiều F1 phải cách ly.

Bộ Y tế đã hướng dẫn Bắc Ninh và Bắc Giang thí điểm cách ly F1 tại nhà từ cuối tháng 5, nhưng Bắc Ninh vẫn đủ điều kiện thực hiện cách ly tập trung nên chưa áp dụng cách ly tại nhà.

Theo một chuyên gia ngành y tế, nếu cách ly ở nhà, người nhà có thể di chuyển đến chỗ khác một thời gian cho đảm bảo an toàn thì càng tốt hơn nữa.

"Ở Đức, căn hộ chung cư 4 phòng, 2/4 người trong nhà dương tính, cơ sở y tế Đức hướng dẫn 2 người dương tính cách ly ở trong phòng riêng, không sinh hoạt ở khu vực chung, nên hạn ngoài khu vực chung và nếu phải ra thì phải đeo khẩu trang, cuối cùng 2 người dương tính từ đầu không lây sang 2 người cùng nhà. Nếu tuân thủ cách ly và có ý thức tốt thì cách ly tại nhà sẽ không lây lan", ông Trần Quý Tường cho biết.

Tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung đã xảy ra tại Hải Dương và Bắc Giang. Theo các chuyên gia, chủ yếu do sử dụng chung nhà vệ sinh và phòng cách ly quá đông người, không đảm bảo giãn cách.

Theo chuyên gia ngành y tế, khi cách ly tại nhà, không thể trông vào việc theo dõi bằng camera, vì đòi hỏi phải có người thường trực.

Ở nông thôn có thể huy động hàng xóm láng giềng giám sát lẫn nhau và sự giám sát của tổ COVID-19 cộng đồng.

Ở đô thị, ngoài dựa vào sự tự nguyện tự giác và xử phạt thật nghiêm người vi phạm, cũng cần nhờ đến sự giám sát của tổ COVID-19 cộng đồng.

Về vấn đề cách ly F1 tại nhà, trên chương trình Chuyển động 24h, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng của Việt Nam đã có chia sẻ về ý kiến cần có thêm chế tài khi thực hiện cách ly tại nhà, theo ông Phu, việc này là không cần thiết. Về hướng dẫn cách ly tại nhà như thế nào thì bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể.

"Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm của người cách ly là ý thức để không lây cho chính bản thân gia đình họ cũng như cho cộng đồng. Hiện nay đã có các tổ Covid-19 cộng đồng. Họ luôn đi kiểm tra, lấy nhiệt độ. Đặc biệt chúng tôi nghĩ rằng vấn đề vi phạm cần xử phạt nghiêm", ông Phu nhấn mạnh.

H.H (tổng hợp)