Dân sinh

Cách ly để sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng!

Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý học trước hành vi của một bộ phận người dân chống đối, không hợp tác việc phải cách ly vì dịch bệnh.

Giữa lúc cả hệ thống chính trị, mọi người dân đang làm hết trách nhiệm phòng, chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 nguy hiểm, thì đâu đó vẫn xuất hiện một số trường hợp chống đối, trốn tránh việc cách ly khiến những nỗ lực trước đó của bao nhiêu con người ngày đêm trằn mình chống dịch có nguy cơ “đổ xuống sông xuống bể”.

Lực lượng biên phòng ở Quảng Trị chốt chặn ở các đường mòn, lối mở khu vực biên giới ngăn ngừa người ra vào, kiểm soát dịch bệnh.

Dẫn chứng, chỉ vì 600.000 đồng/ hành khách, một tài xế xe kéo ở Huế bằng các thủ đoạn tinh vi đã bất chấp đưa 6 người từ vùng dịch Đà Nẵng vượt qua các chốt kiểm soát dịch bệnh ở Huế về địa phương trót lọt nhằm trốn cách ly tập trung. Sự việc nhanh chóng được cơ quan công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phanh phui và chắc chắn án phạt sẽ không hề nhẹ đối với gã tài xế cùng 6 người coi nhẹ sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ của chính người thân của mình.

Tài xế xe ké ở Huế bất chấp sức khoẻ cộng đồng chở 6 người vượt chốt kiểm tra y tế trót lọt để trốn cách ly.

Hay mới đây, ở Quảng Trị, một người phụ nữ ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong dù nằm trong diện đối tượng phải tiến hành cách ly 14 ngày vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19 nhưng vẫn không hợp tác và còn có hành vi chống đối. 

Cụ thể, sau khi có quyết định cách ly, bà này đã đến trụ sở UBND xã Triệu Thuận gây rối, cản trở cán bộ xã làm việc. Tại đây, người phụ nữ này còn thách thức sẽ không cách ly tại nhà mà vẫn đi buôn bán bình thường.

Liên quan đến những hành vi trốn cách ly này, dưới góc nhìn tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, trường đại học Sư phạm – đại học Huế đã có một số chia sẻ với tạp chí Người đưa tin pháp luật.

Theo Tiến sỹ Hùng, có thể nói khi buộc phải đưa đi cách ly vì dịch bệnh, về mặt tâm lý không ai muốn mình rơi vào trường hợp này. Tuy nhiên, vì sức khoẻ của bản thân, vì sức khoẻ của cộng đồng, mỗi người hãy hy sinh những quyền lợi, hy sinh sự tự do của cá nhân để tuân thủ các quy định của địa phương, chính quyền.

Mặc dù khi cách ly mọi người sẽ phải đối mặt với các ràng buộc, sẽ cảm thấy bất tiện và không thoải mái nhưng lúc này là thời điểm “vàng” để mỗi người cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh với địa phương. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng trong một lần trò chuyện với các em học sinh THCS.

Trưởng khoa Tâm lý -Giáo dục chia sẻ, nhìn theo hướng tích cực thì việc được sống trong môi trường cách ly là điều kiện để tạo ra thói quen, rèn luyện lối sống có nề nếp, lành mạnh và khoa học. Chính khoảng thời gian này sẽ giúp mọi người rèn luyện đức tính kiên nhẫn, có cơ hội để ngồi lại suy nghĩ một cách chín chắn hơn khi đứng trước các vấn đề của xã hội. 

Tiến sĩ Hùng nói, hãy nhìn hình ảnh của các anh bộ đội, công an, biên phòng, các y bác sĩ tuyến đầu ăn vội, ngủ vội và trực chiến để lo cho mọi người; nghĩ về hình ảnh chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch chỉ biết qua nhà thăm con qua cánh cửa cổng, những tình nguyện viên không ngại sự lây lan của bệnh dịch phục vụ cho mình tại các khu cách ly… để hình thành nên lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn.

Hình ảnh chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch ở Đà Nẵng chỉ dám đứng nhìn con từ xa sau cánh cửa cổng.

“Chính sống trong môi trường cách ly mỗi người nếu biết trân trọng sự hy sinh của người khác thì sẽ có sức mạnh để yêu thương, để sẻ chia, để xây dựng cho mình một lối sống tích cực, nhân văn và có trách nhiệm hơn với cộng đồng…”, Trưởng khoa Tâm lý -Giáo dục, trường đại học Sư phạm - đại học Huế nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, việc không tuân thủ cách ly dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về thời gian, công sức, tiền bạc cho Nhà nước để thực hiện công tác phòng chống dịch mà còn có nguy cơ là tác nhân khiến dịch bùng phát trở lại Việt Nam.

Theo luật sư Tuệ Minh, chiếu theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm mà người không tuân thủ các quy định cách ly sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…”

Như vậy, nếu cá nhân không tuân thủ cách ly Covid-19 theo các quy định trên thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Phạt tù đến 12 năm nếu không tuân thủ cách ly

Tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC nêu rõ:

“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.”
Như vậy, việc không tuân thủ quy định cách ly là một trong những hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly theo quy định của Điều 240 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.

Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác tại Điều 240 như:

- Phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

- Phạt tù từ 10 - 12 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.
Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù đến 12 năm.

Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.