Đời sống

Cách làm bánh dẻo Trung thu nhân thập cẩm chuẩn vị truyền thống

Cách làm bánh dẻo Trung thu nhân thập cẩm truyền thống không chỉ đơn giản, dễ làm mà còn có hương vị cổ truyền thơm ngon, hấp dẫn.

Chuẩn bị nguyên liệu:

1. Nhân thập cẩm

- 100g vừng rang

- 100g hạt dưa tách vỏ

- 100g hạt sen

- 100g hạt điều

- 100g mứt bí

- 100g lạp xưởng

- 100g mỡ đường

- Lá chanh

Lưu ý:

- Tất cả các nguyên liệu như hạt dưa, hạt sen, hạt điều cần phải được đập nhỏ, mứt bí và lạp xưởng cần thái hạt lựu cùng một cỡ để dễ trộn và viên nhân.

- Nếu bạn làm bánh với kích thước nhỏ thì các nguyên liệu có thể thái nhỏ hơn nữa hoặc cho vào máy xay xay trong vài giây. Nhân xay sẽ không nên nát và nhuyễn mà vẫn còn nguyên miếng, cũng không quá to, khi ăn vẫn phân biệt được các vị.

(Khối lượng các nguyên liệu có thể thay đổi thêm hoặc bớt đi tùy thuộc vào khẩu vị cá nhân)

2. Nước sốt trộn nhân

- 20ml nước lọc

- 20g nước đường bánh nướng

- 20g nước đường bánh dẻo

- 20ml rượu mai quế lộ

- 5ml xì dầu

- 10ml dầu mè

3. Vỏ bánh dẻo Trung thu

- Nước đường bánh dẻo: 70g

- Bột bánh dẻo: 35g

- Dầu ăn: ¼ tsp

- Tinh dầu hoa bưởi: vài giọt

Cách làm bánh dẻo Trung thu nhân thập cẩm:

1. Nhân thập cẩm

- Bước 1: Trộn đều tất cả các nguyên liệu: vừng rang, hạt dưa, hạt sen, hạt điều, mứt bí, lạp xưởng, mỡ đường với nhau. Đưa lên bếp xào qua cho nóng.

- Bước 2: Trộn đều tất cả các nguyên liệu trong công thức nước sốt trộn nhân, rót từ từ vào trong nồi nhân đang xào trên bếp, đảo đều tay. Khi thấy phần nước sốt đã ngấm vào các nguyên liệu, hỗn hợp không còn quá ướt thì cho lá chanh cắt sợi vào đảo đều thêm 1 - 2 phút. Trong quá trình đảo nhân, bạn có thể nêm xem vị ngọt, mặn,... của nhân đã vừa hay chưa để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

- Bước 3: Rắc một chút bột bánh dẻo có trong công thức vào trộn đều để tạo độ kết dính. Nếu thấy nhân chưa đủ kết dính thì tiếp tục thêm bột bánh dẻo vào tiếp. Bột bánh dẻo chỉ nên cho vừa đủ, nếu cho quá nhiều sẽ làm nhân khô và bị cứng khi bánh nguội.

Trên đây là công thức nhân thập cẩm kiểu miền Bắc, nếu thích vị bánh thập cẩm kiểu miền Nam, bạn có thể cho thêm thịt gà quay xé nhỏ, xá xíu và một chút bột ngũ hương để tăng hương vị nhé.

2. Vỏ bánh dẻo Trung thu

- Bước 1: Nhồi bột

+ Cho nước đường, dầu ăn, tinh dầu hoa bưởi vào trong một chiếc tô, khuấy đều cho hòa quyện.

+ Đổ bột bánh dẻo vào trong tô, dùng thìa hoặc dĩa khuấy đều, nhanh tay cho bột hòa cùng với hỗn hợp lỏng, thành một hỗn hợp hơi sền sệt thì dừng lại. Ngay sau đó đổ khối bột ra mặt phẳng để bắt đầu nhồi bột.

+ Dùng lực của lòng bàn tay miết và đẩy bột ra xa, nhồi đến khi bột thành một khối mịn dẻo, không còn hạt lợn cợn là đã đạt. Không nên nhồi bột quá lâu, làm bột dễ bị chai, bánh thành phẩm sẽ không được sắc nét.

+ Vê tròn phần bột vừa nhồi, dùng lòng bàn tay ấn dẹt, bao nhân vào trong phần vỏ. Lấy một chút bột bánh dẻo phủ quanh viên bột để chống dính rồi đem đi đóng khuôn.

- Bước 2: Đóng khuôn

+ Chống dính cho khuôn bằng một lớp bột áo mỏng. Lưu ý chống dính cả thành khuôn và những kẽ vân sâu để bánh không bị dính trong quá trình ra bánh.

+ Cho mặt đẹp của viên bột quay xuống đáy khuôn, dùng lực của hai lòng bàn tay ấn bột xuống (lực ấn càng mạnh thì bánh càng nét), để bánh trong khuôn nghỉ khoảng 1 phút rồi lấy bánh ra khỏi khuôn.

Lưu ý:

- Chỉ nên trộn bột tối đa 2 bánh một lúc, phòng trường hợp làm không nhanh tay, bột bánh đã nhồi để lâu ngoài không khí bị khô và chai, bánh lên sẽ không được sắc nét và cũng nhanh bị mất nét trong thời gian ngắn.

- Trong quá trình nhồi bột và đóng bánh, nên đeo găng tay túi bóng, vừa có tác dụng chống dính, vừa tránh hiện tượng mồ hôi ở tay có chứa muối ngấm vào bột vỏ làm bánh nhanh mốc.

- Khi cho bánh vào trong khay, nên cho một ít bột áo ở dưới đáy khay để hút ẩm.

- Bánh mới đóng xong nên để khoảng 15 phút ngoài không khí rồi mới cho gói hút ẩm vào đóng gói.

- Bánh thành phẩm có thể ăn ngay hoặc bảo quản trong khoảng 3 - 4 ngày tùy điều kiện thời tiết và độ ngọt của bánh.

Trang Dung (t/h)