Giáo dục

Xử lý như thế nào nếu có ca bệnh Covid-19 tại trường học?

Khi học sinh trở lại trường học sau thời gian dài, các trường ứng phó thế nào để hạn chế lây lan diện rộng và không ảnh hưởng hoạt động dạy học khi xuất hiện F0?

Cách xử trí khi phát hiện ca mắc Covid-19 ở trường học

Gần 1 tuần qua, các trường học trên cả nước đón học sinh trở lại trường học tập trung sau thời gian dài phải học trực tuyến để phòng dịch Covid-19. Sự mong mỏi nhất lúc này của cả cô thầy, trò và cả các phụ huynh lúc này là dịch bệnh không lây lan trong các lớp học, đến mức độ phải dừng học trực tiếp. 

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT khi phát hiện có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên, người lao động của nhà trường có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở (người nghi ngờ) tại trường học, nhà trường cần thực hiện theo các bước sau:

Đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế, hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 m với những người khác.

Nhân viên y tế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế để có biện pháp xử trí.

Cần linh hoạt ứng phó khi lớp có F0. Ảnh minh họa.

Hướng dẫn cách xử trí khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 trong trường:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng BCĐ phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của sở GD&ĐT và cha mẹ học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0. Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0. Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa con mình về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 3 người/mẫu. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 647/MP-VP ngày 16/11/2021 về điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1.

Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu có 1 ca dương tính với Covid-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau thì tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau: 2 lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng; 2 lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà; 2 lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Không chủ quan, lơ là phòng dịch

Tại Hà Nội, nhiều học sinh hào hứng, phấn khởi đi học trở lại trường. Sau Tết Nguyên đán học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã đã đến trường học trực tiếp. Học sinh từ lớp 1-6 của các huyện, thị xã học trực tiếp; các quận vẫn học online. Tuy nhiên, tối 15/2, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành đi học trở lại từ 21/2. Các trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; Hà Nội không tổ chức học bán trú, căng tin ăn uống trong trường.

Khi học sinh trở lại trường, Sở đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong việc dạy song song cả trực tuyến và trực tiếp, các trường cần nghiên cứu để có phương pháp phù hợp, đảm bảo thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Đồng thời quan tâm hỗ trợ học sinh, tránh gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để dạy các nội dung cốt lõi, tránh gây quá tải đối với các em.

Cũng theo Sở GD&ĐT, khi lớp phát hiện F0, những học sinh tiếp xúc gần F0 là F1, được cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến. Những trường hợp còn lại trong lớp sẽ được theo dõi sức khỏe; nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường.

Dọn dẹp, khử khuẩn trước khi đón học sinh trở lại trường.

Không miệt thị F0 ở trường học

Trước đó ngày 8/2, trong gửi công điện đến giám đốc các Sở GD&ĐT, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương, các trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học, tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.

Ngoài ra, các trường triển khai các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời và hiệu quả theo các phương án, kịch bản được UBND tỉnh phê duyệt.

Bộ trưởng lưu ý không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.

Cách ngăn chặn Covid-19 lây lan:

Giữ khoảng cách an toàn với người khác (ít nhất 1 mét), kể cả khi họ không có biểu hiện bệnh.

Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nhất là khi ở trong nhà hoặc khi không thể giữ khoảng cách.

Chọn những không gian mở, thông thoáng thay vì những không gian kín. Mở cửa sổ nếu ở trong nhà.

Thường xuyên rửa tay. Dùng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn.

Tiêm vắc-xin khi đến lượt. Tuân thủ chỉ dẫn của địa phương về việc tiêm vắc-xin.

Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che mũi và miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay.

Trúc Chi (t/h theo TTXVN, Tiền Phong, VTC News)