Giáo dục

Các trường mở nhiều ngành học liên quan đến công nghệ, kinh tế

Khoa học dữ liệu, Kinh tế chính trị là những ngành mới mở ra trong năm nay và được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, nhóm ngành kinh doanh và quản lý là lĩnh vực có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất cả nước.

Trong nhiều năm nay, các ngành Kinh tế, Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Công nghệ thông tin,… luôn thu hút lượng lớn thí sinh theo học, khiến cho điểm đầu vào tăng cao ở tất cả các phương thức xét tuyển.

Cần nắm rõ phương thức xét tuyển

Đối với những trường đào tạo những nhóm ngành này đã sớm có kế hoạch tuyển sinh để chọn lựa thí sinh phù hợp.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết năm nay trường giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2022, có một số điều chỉnh nhỏ cho phù hợp với phương hướng tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT cũng như đảm bảo đúng theo quy chế.

Để đáp ứng nhu cầu, nhà trường tăng 100 chỉ tiêu lên 6.200 với 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng chiếm 2% chỉ tiêu; Phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 25%; Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 73%.

Ông Đức thông tin việc tăng chỉ tiêu chủ yếu dành cho các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin,… đây là các ngành thuộc Trường Công nghệ quản lý mà trường dự định thành lập trong năm nay.

Riêng đối với nhóm ngành kinh tế vẫn là ngành được đông đảo các thí sinh có nhu cầu theo học, tỉ lệ chọi cao, tuy nhiên mỗi một chương trình đào tạo lại có những tiêu chí chuẩn đầu ra khác nhau.

Theo ông Đức, không phải ngành kinh tế của các trường đều có chung định hướng mà sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức theo mục tiêu riêng. Điều này đòi hỏi các sinh viên phải nắm rõ các môn sẽ được học trong 4 năm tới để đưa ra quyết định phù hợp.

Đại diện nhà trường cũng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức sớm hơn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho trường trong công tác tuyển sinh nói chung và thực hiện kế hoạch đào tạo năm học với khóa mới. So với năm 2022 việc nhập học muộn ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của trường với khóa mới.

TS.Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Mở nhóm ngành mới theo nhu cầu thời đại

Cũng là một trong những trường được sự quan tâm của các thí sinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ nhà trường vẫn giữ 6 phương thức xét tuyển cho năm 2023, tuy nhiên mở thêm ngành Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế.

Thông tin về ngành mới, cô Hiền cho biết: “Qua khảo sát ngành Kinh tế chính trị có cầu nhân lực cho thời gian, đặc biệt trong bối cảnh thời đại mới. Do tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, cần phải đào tạo những lực lượng làm chính trị, nhà hoạch định chính sách, tham vấn chuyên môn và có thể làm việc được trong môi trường quốc tế”.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương lưu ý đến yếu tố chọn ngành.

Năm nay Trường Đại học Ngoại thương chỉ tăng 50 chỉ tiêu ở ngành mới nâng tổng chỉ tiêu là 4.100. Mặc dù chỉ tiêu lớn nhưng trước xu hướng nhiều năm sinh viên tập trung vào những ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin,… khiến điểm chuẩn của các ngành này tăng đột biến.

Bà Hiền cho hay, trong quá trình chọn lựa ngành các thí sinh cần đảm bảo 3 nguyên tắc chính.

Điều đầu tiên, các em phải tìm hiểu yêu cầu nhân lực của ngành trong tương lại, biết được biến động tăng giảm qua các năm. Ngoài ra, xem xét năng lực của bản thân và thu nhập tạo ra của ngành là những yếu tố xác định ngành nghề phù hợp.

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng quy định mới về chính sách ưu tiên. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Như vậy, từ năm nay, chỉ những thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 năm và 2023 có đăng ký xét tuyển thì được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực.