Giáo dục

"Các trường đại học cần phải kết nối nhiều hơn và trở nên khác biệt”

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã đến tham dự sự kiện học thuật đầu tiên được tổ chức tại tổ hợp tòa nhà HT1 và HT2 nằm trong khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Ngày 29/07, ĐHQGHN đã khánh thành giảng đường đầu tiên thuộc khu vực tổ hợp HT1 – HT2 nằm trong khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc thông qua sự kiện Hội thảo mùa hè 2022 của Dự án Đổi mới Hợp tác Giáo dục Đại học (gọi tắt là PHER).

Hơn 200 nhà quản lý và nhà giáo dục của ĐHQGHN và hàng chục chuyên gia nước ngoài từ Đại học Indiana để tham dự hoạt động học thuật đầu tiên được tổ chức tại ĐHQGHN ở Hòa Lạc. Hội thảo mùa hè năm 2022 thuộc Dự án Đổi mới giáo dục Đại học (PHER) này cũng đánh dấu mốc khánh thành cho tổ hợp này, trước khi chính thức phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập của sinh viên ĐHQGHN vào tháng 9 năm nay.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài từ Đại học Indiana.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong Hội thảo PHER tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tuần, trong đó có việc xây dựng nền tảng cho PHER, thảo luận và tìm ra giải pháp cho từng trường trong thời gian tới. Với cơ hội gặp gỡ và thảo luận trong một sự kiện ngày hôm nay, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn hy vọng có thể khởi dậy những ý tưởng mới mẻ, những tinh thần đổi mới để đem lại những giá trị tươi mới cho ĐHQGHN nói riêng và Dự án nói chung.

Ban Giám đốc DHQGHN tham dự Hội thảo.

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana, Mỹ Hannah Buxbaum bày tỏ sự vinh hạnh khi được trở thành đối tác thực hiện Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục Đại học và được tham dự sự kiện đầu tiên diễn ra tại tòa nhà mới khánh thành này của ĐHQGHN. Bà mong muốn hai cơ sở có thể kiến tạo nhiều cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững và mang lại lợi ích chung cho hai bên trong tương lai. Với sự hợp tác đó, Indiana có thể thấu hiểu hơn về bối cảnh vận hành của ĐHQGHN để có thể hỗ trợ một cách hiệu quả hơn trong khuôn khổ Dự án PHER.

Giám đốc Dự án PHER Arjan Koeslag đánh giá cao vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam. “Thay đổi” và “đổi mới” cũng chính là những mục tiêu cốt lõi mà PHER hướng tới. Ngày hôm nay, Dự án đã quy tụ rất nhiều nhà quản lý, nhà giáo dục và các chuyên gia đầu ngành đến đây đóng góp cho sự phát triển chung của PHER. Ông đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung và các đại học trong nước nói riêng, nhưng việc sử dụng nguồn nhân lực đó như thế để tối ưu nhất thì cần phải cải thiện thêm và hy vọng PHER có thể giúp thực hiện điều này.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Giới thiệu cùng các khách mời, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu cho biết ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ với 35 đơn vị thành viên, hơn 2500 cán bộ khoa học và gần 55.500 người học. Dự án PHER được kỳ vọng là sự bổ trợ kỹ thuật cho dự án “Phát triển các đại học Việt Nam”, ĐHQGHN hy vọng có thể nâng cao năng lực quản trị, quản lý, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng lắng nghe các tham luận từ các giáo sư của Đại học Indiana, tập trung vào các vấn đề vai trò của các Đại học công lập trong thế kỷ 21, Tài chính và tự chủ trong các đại học, Chuyển đổi số, Quản trị chia sẻ.

Các chuyên gia nước ngoài tham dự Hội thảo.

Chia sẻ quan điểm về vai trò của đại học công lập, Giáo sư Lauren Robel từ đại học Indiana, Bloomington đưa ra quan điểm rằng để vượt trội trong thế giới hiện nay, “các trường đại học cần phải kết nối nhiều hơn và trở nên khác biệt hơn”. Bởi lẽ bản chất của nhiều khám phá khoa học đã thay đổi, giảng viên tại các trường đại học nghiên cứu hiện đại cần có kết nối với các nhóm quốc tế gồm các nhà nghiên cứu phù hợp và hợp tác với các cơ sở tiên tiến để liên tục có sự trao đổi và cập nhật.

Ngoài ra, các đại học còn cần kết nối với doanh nghiệp tư nhân và các môi trường xã hội của mình, để giải quyết các vấn đề của thị trường, của quốc gia và nâng cao vị thế của cơ sở đại học. Mặt khác, trong bối cảnh khan hiếm nguồn lực đòi hỏi các cơ sở phải phân biệt các sứ mệnh của mình để đảm bảo tạo ra sự vượt trội trong mọi khía cạnh sứ mệnh của mỗi đại học.

Hội thảo cũng mở phiên thảo luận để những đại biểu tham gia tự do đặt câu hỏi cho các chuyên gia từ Đại học Indiana.

Trong cùng ngày, tổ hợp giảng đường mới của ĐHQGHN cũng đã được khai trương. Được biết cả 2 công trình HT1 và HT2 gần tương đương với diện tích của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên hiện nay ở nội thành Hà Nội. Như vậy, 35.000m2 sàn giảng đường đầu tiên đã sẵn sàng đón sinh viên tới học tập tại Hòa Lạc trong tháng 9 năm nay.

Cơ sở vật chất tổ hợp tòa HT1.

ĐHQGHN ưu tiên cho nhóm sinh viên tuyển sinh mới vào năm 2022 ở một số lĩnh vực đào tạo về kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và kinh tế, luật… theo mô hình A+B có sự phối hợp đào tạo liên ngành, liên đơn vị sẽ học tập tập chung tại cơ sở Hòa Lạc. Những năm tiếp theo sẽ căn cứ vào diện tích xây mới thực tế để tăng quy mô đào tạo tại Hòa Lạc nhằm giảm sự quá tải tại nội thành Hà Nội.

Cơ sở vật chất của giảng đường mới. 

ĐHQGHN đang tiếp tục triển khai hoàn thiện cơ sở vật chất của giảng đường, khu sáng tạo, thư viện, không gian học sống và học tập cho sinh viên, giảng viên; giao thông nội khu, kết nối hệ thống xe buýt nội thành; hệ thống ký túc xá với các phòng ở, phòng sinh hoạt chung như nhà bếp, phòng tự học cho sinh viên theo chuẩn hiện đại, chất lượng cao với hệ thống điều hòa không khí.

ĐHQGHN đang tiếp tục triển khai hoàn thiện cơ sở vật chất của tổ hợp.

Trước đó, vào ngày 19/5/2022, nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn bộ Cơ quan ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội theo Thông báo số 1666/TB-ĐHQGHN ngày 18 tháng 5 năm 2022 của ĐHQGHN.