Giáo dục

Các trường đại học bắt đầu xét tuyển, điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động

Từ ngày 4/9 đến 17h ngày 15/9, các cơ sở đào tạo đại học tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống, tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển...

Bắt đầu xét tuyển đại học 

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hai tuần xét tuyển sắp tới được chia thành các mốc thời gian nhỏ hơn. Trong năm ngày 4-9/9, các đại học tải cơ sở dữ liệu lên hệ thống xét tuyển của Bộ, tổ chức xét tuyển chính thức.

Đến 10/9, các trường tải danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo mọi phương thức (cả xét tuyển sớm và theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2022) lên hệ thống xét tuyển. Cùng ngày, hệ thống sẽ lọc bỏ những thí sinh đã đỗ nguyện vọng cao hơn vào trường khác khỏi danh sách dự kiến, sau đó gửi lại kết quả cho các trường. Quy trình này lặp lại sáu lần, mỗi ngày một lần và hoàn thành vào 15/9.

Danh sách cuối cùng được hệ thống của bộ trả về các trường được coi là bản chính thức. "Trường đại học không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này", Bộ nêu trong thông báo ngày 28/8.

Trước 17h ngày 17/9, các trường đại học công bố kết quả trúng tuyển chính thức trên các kênh thông tin của mình, nếu chưa đủ chỉ tiêu sẽ được tuyển bổ sung từ tháng 10 đến tháng 12.

Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trước 30/9 theo hình thức trực tuyến. Nếu có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung, các em thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.

Năm nay, khoảng 620.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học. Đây là năm đầu tiên thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT và cũng là lần đầu ngành giáo dục tổ chức thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến từ 24 đến 31/8.

Hiện Bộ chưa công bố số liệu chính thức về tình hình thanh toán lệ phí. Tính đến 28/8, hơn hai phần ba thí sinh đã thanh toán thành công. "Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời 24/7, không có tình trạng nghẽn hay quá tải", Bộ đánh giá.

Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Điểm chuẩn đại học các trường top đầu có biến động mạnh

Đại học Quốc gia Hà Nội: Một số trường khác thì dự kiến mức điểm sẽ tăng. Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội dự báo điểm chuẩn vào một số ngành của các trường thuộc Đại học Quốc gia năm nay sẽ tăng. Trong đó, những ngành hot có thể tăng tới 3 điểm so với năm 2021.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tổng số chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu vào trường không thay đổi, do đó điểm chuẩn cũng sẽ không có nhiều khác biệt so với năm 2021, nhưng cũng sẽ tăng nhẹ ở một vài ngành.

Trường Đại học Thủy lợi: TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Thủy lợi dự báo điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, qua phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo điểm chuẩn năm 2022 của một số ngành vào học viện sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm.

Đặc biệt, với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thí sinh phải đạt từ 24-25 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển vào học viện. Ngoài ra, ngành Thú y cũng được dự đoán là ngành có điểm chuẩn tương đối cao, nhỉnh hơn 1 đến 2 điểm so với năm trước.

Đại học Hồng Đức những năm gần đây, điểm chuẩn vào trường phổ điểm từ 22, nên ngưỡng 19 điểm như năm nay là phù hợp, là bước đầu để trường có thể lựa chọn người học.

Năm nay, phổ điểm chuẩn của Trường đại học Hồng Đức có thể rơi vào từ 22 đến 27-28 điểm, tuỳ từng ngành.

Đây chỉ là dự báo còn thực tế phụ thuộc vào rất nhiều biến số, phụ thuộc sự lựa chọn của các em. Dự báo điểm chuẩn năm nay có thể tương đương hoặc cao hơn năm 2021.

Trường đại học Thương mại: ThS. Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Thương mại dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường năm 2022 theo tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tương tự hoặc tăng nhẹ so với năm 2021.

Theo ông Trung, năm nay, các trường đều giảm số chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, bởi đã xét tuyển bằng nhiều phương thức khác.

Khi số chỉ tiêu còn lại giảm, dù mặt bằng chung điểm thi năm nay có giảm đôi chút thì điểm chuẩn vẫn có thể giữ nguyên hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt ở một số ngành hot.

Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) dự đoán mức điểm chuẩn của Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM ở phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT có thể tăng nhẹ 1-3 điểm so với năm 2021, tùy từng ngành.

Đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH): ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cho hay, kỳ tuyển sinh này trường đã ghi nhận 30.000-40.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường - tương đương năm 2021. Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh đặt nguyện vọng 1 vào trường khá cao.

Với thống kê trên, dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước khoảng 0,5 điểm.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 sẽ tương đối ổn định như 2021.

“Đối với các ngành hot thì điểm chuẩn sẽ không giảm, có tăng cũng không nhiều.

Theo dự đoán của tôi, với những ngành điểm chuẩn năm ngoái đã cao rồi thì năm nay sẽ không cao hơn được nhiều” - PGS Triệu nói.

Trường Đại học Giao thông Vận tải: PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay, căn cứ vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và phổ điểm các tổ hợp, có thể thấy, điểm các tổ hợp A00, A01, D01 có vẻ thấp hơn năm 2021 và cao hơn năm 2020.

Riêng với Trường Đại học Giao thông vận tải, PGS Chương dự đoán, năm nay điểm chuẩn phần lớn các ngành khả năng sẽ giảm so với năm 2021, một số ngành sẽ giảm từ 0,5 điểm trở lên.

Học viện Tài chính: TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho hay, nhìn vào phổ điểm thi năm nay, dự kiến điểm chuẩn của Học viện Tài chính 2022 có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm.

Trường Đại học Thủy lợi: TS Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Thủy lợi dự báo điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, đề thi THPT năm nay có cấu trúc hay hơn, có tính phân hóa hơn. Khi đề thi phân hóa sẽ tạo ra phổ điểm có sự khác nhau, số điểm giỏi giảm đi, khiến điểm chuẩn cũng sẽ giảm.

Dù có yếu tố này tác động, song với kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh, PGS Phạm Xuân Anh dự báo điểm chuẩn vào trường năm nay có xu thế giảm nhẹ so với năm 2021, mức giảm sẽ tùy từng ngành.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: TS Nguyễn Viết Đăng - Trưởng Ban Quản lý Đào tạo - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, qua phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo điểm chuẩn năm 2022 của một số ngành vào học viện sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm.

Đặc biệt, với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thí sinh phải đạt từ 24-25 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển vào học viện.

Ngoài ra, ngành Thú y cũng được dự đoán là ngành có điểm chuẩn tương đối cao, nhỉnh hơn 1 đến 2 điểm so với năm trước.

Trúc Chi (t/h theo Lao Động, Đầu Tư, Vnexpress)