Thế giới

Các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới trì hoãn cam kết Net Zero

30 công ty tài chính giao dịch công khai lớn nhất đều là thành viên trong những hiệp hội “đã liên tục vận động để làm suy yếu các chính sách tài chính bền vững”.

Hầu hết các ngân hàng và hãng quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới đã không đặt ra được những mục tiêu cụ thể về khí hậu đến năm 2030. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nền tài chính toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường xanh hóa ngành này.

Theo các nhà nghiên cứu khí hậu tại InfluenceMap, chỉ 11 trong số 30 công ty tài chính giao dịch công khai lớn nhất đã đặt ra các mục tiêu đáng tin cậy nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên nhiều lĩnh vực vào cuối thập kỷ này. Điều đó trái ngược với việc hầu hết trong số họ đã tham gia vào GFANZ- Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) trong khuôn khổ Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

Đồng thời, tất cả 30 công ty này là thành viên trong những hiệp hội công nghiệp “đã liên tục vận động để làm suy yếu các chính sách tài chính bền vững” ở Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh, báo cáo từ InfluenceMap cho biết. Những chính sách này nhằm tăng cường tính minh bạch của việc tài trợ cho các hoạt động có thể gây hại đối với môi trường, bao gồm cả dự án nhiên liệu hóa thạch.

Ông Chris Hohn, tỷ phú sáng lập quỹ đầu cơ TCI cho biết: “Bất kỳ ngân hàng nào đưa ra lời hứa phát thải ròng bằng 0 nhưng lại tích cực vận động hành lang chống lại các quy định khí hậu cần thiết, như quy định báo cáo bắt buộc về phát thải hay kế hoạch hành động về khí hậu của người vay, đều là hành động tẩy xanh” (greenwashing)”.

Tẩy xanh (greenwashing) là hành động các doanh nghiệp khoác lên mình lớp vỏ bọc “thân thiện với môi trường” nhưng không thực sự có các biện pháp bảo vệ môi trường.

Chuyên gia phân tích cấp cao Eden Coates tại InfluenceMap nhận định: “Có một sự khác biệt đáng kể giữa những gì họ tuyên bố về biến đổi khí hậu và những điều họ đang làm”; “Nếu thực sự nghiêm túc trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, họ nên đặt ra các mục tiêu ngắn hạn cụ thể và có thể thực hiện được trên tất cả hoạt động của họ”.

Các bằng chứng cho thấy mặc dù hầu hết những tổ chức tài chính đã đặt mục tiêu không phát thải ròng đến năm 2050, nhưng những hành động trong ngắn hạn là chưa đủ. Ví dụ, chỉ 7 trong số 30 tổ chức lên kế hoạch loại bỏ ngành kinh doanh than nhiệt phù hợp với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Mỏ than Peabody Energy Francisco ở bang Indiana, Mỹ, vào ngày 23/9/2021. Ảnh: Bloomberg.

Các phân tích này về ngành tài chính được công bố khoảng một tháng sau khi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPCC) đưa ra đánh giá nghiêm trọng về tốc độ biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo khu vực tư nhân đang không hành động đủ để ngăn chặn thảm họa.

Theo dữ liệu của Bloomberg, các ngân hàng đã cung cấp khoảng 4,1 nghìn tỷ USD cho lĩnh vực dầu khí và than thông qua những khoản vay và bán trái phiếu kể từ khi Thỏa thuận Paris đạt được vào cuối năm 2015. Con số đó bao gồm gần 656 tỷ USD trong năm ngoái. 

Ông Eden Coates, chuyên gia phân tích tại InfluenceMap, nhận định: “Các tổ chức tài chính toàn cầu này có tầm ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế và chính trị. Họ đang trì hoãn những hành động cần thiết để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu”. InfluenceMap cho biết chỉ một số công ty bao gồm BNP Paribas, Axa SA và Allianz SE đã “tham gia tích cực” vào lĩnh vực tài chính bền vững.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Yahoo.Finance)